K. Marx
Lao động làm thuê và Tư bản
LỢI ÍCH CỦA TƯ BẢN VÀ LAO ĐỘNG LÀM THUÊ
LÀ HOÀN TOÀN ĐỐI LẬP -
TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC TĂNG TƯ BẢN SẢN XUẤT VỚI TIỀN LƯƠNG
Vậy, ta thấy rằng, ngay cả khi đứng trong quan hệ giữa tư bản và lao động làm thuê, thì lợi ích của chúng
vẫn đối lập hẳn với nhau.
Tư bản tăng nhanh đồng nghĩa với lợi nhuận tăng nhanh. Lợi nhuận chỉ tăng nhanh khi mà giá của lao
động, tức là tiền lương tương đối, giảm xuống cũng nhanh như thế. Tiền lương tương
đối có thể giảm, ngay cả khi tiền lương thực tế và tiền lương danh nghĩa (tức là giá trị bằng
tiền của lao động) đều tăng, chỉ cần tiền lương thực tế không tăng cùng tỉ lệ với
lợi nhuận. Ví dụ, nếu trong những năm kinh doanh thuận lợi, tiền lương tăng 5%, còn lợi nhuận tăng 30%,
thế thì tiền lương so sánh tương đối không tăng mà giảm.
Vậy, nếu thu nhập của công nhân tăng lên cùng với sự tăng nhanh tư bản, thì cùng lúc đó, cái vực thẳm xã
hội giữa công nhân và nhà tư bản cũng rộng ra; quyền lực của tư bản với lao động, sự lệ
thuộc của lao động vào tư bản, đều tăng lên.
Nói rằng "công nhân quan tâm đến sự tăng nhanh tư bản" thì chỉ có nghĩa là: công nhân càng làm tăng của cải
của nhà tư bản, thì những mảnh vụn mà anh ta nhận được càng to hơn, số công nhân sẽ đông hơn, đám
đông nô lệ phụ thuộc vào nhà tư bản cũng nhiều lên.
Vậy ta thấy rằng:
Ngay cả hoàn cảnh thuận lợi nhất cho công nhân, tức là tư bản tăng nhanh hết sức, cũng không xóa
bỏ sự đối lập về lợi ích giữa công nhân và nhà tư bản, dù nó có cải thiện đời sống vật chất
của công nhân đến mức nào đi nữa. Lợi nhuận và tiền lương vẫn tỉ lệ nghịch với nhau như
trước.
Nếu tư bản tăng nhanh thì tiền lương có thể tăng, nhưng lợi nhuận của nhà tư bản lại
tăng lên vô cùng nhanh hơn. Địa vị vật chất của công nhân khá lên, nhưng cái giá phải trả là địa vị xã
hội của anh ta hạ xuống. Vực thẳm xã hội ngăn cách anh ta và nhà tư bản lại rộng ra.
Cuối cùng:
Nói rằng "điều kiện thuận lợi nhất cho lao động làm thuê là sự tăng nhanh hết sức của tư
bản sản xuất" thì cũng như nói rằng: giai cấp công nhân càng tăng lên, và càng làm mạnh thêm cái thế lực thù địch
với nó, tức là của cải của kẻ khác đang thống trị giai cấp ấy; thì nó càng có điều kiện thuận
lợi để lại lao động, để tăng thêm của cải của giai cấp tư sản, để tăng cường
thế lực của tư bản; do đó mà chấp nhận việc tự rèn cho mình những xiềng xích bằng vàng, để giai
cấp tư sản dắt mình đi theo.
1Sự tăng lên của tư bản sản xuất và sự tăng lên của tiền
lương - có thật là chúng gắn bó với nhau, không thể tách rời, như các nhà kinh tế học tư sản khẳng
định? Ta không nên tin lời họ. Ta không thể tin họ, ngay cả khi họ nói là tư bản càng béo tốt thì nô lệ của chúng
càng được chăm chút. Giai cấp tư sản quá sáng suốt, quá chi li tính toán; nó không thể chia sẻ cái thành kiến của tên chúa
phong kiến, kẻ thường phô trương sự hào nhoáng của đoàn tùy tùng của mình. Những điều kiện tồn tại
của giai cấp tư sản buộc nó phải chi li.
Vì vậy ta phải nghiên cứu kĩ hơn vấn đề sau đây:
Sự tăng tư bản sản xuất ảnh hưởng tới tiền lương như thế nào?
Nếu toàn bộ tư bản sản xuất trong xã hội tư sản tăng lên, thì lao động được tích lũy theo
nhiều mặt hơn. Tư bản cá nhân tăng lên, cả về số lượng và qui mô. Số lượng tư bản cá nhân
tăng lên thì cạnh tranh giữa các nhà tư bản cũng tăng. Sự tăng qui mô của tư bản cho phép đưa
các đạo quân công nhân hùng hậu hơn, với những công cụ chiến tranh to lớn hơn, vào chiến trường công
nghiệp.
Một nhà tư bản có thể loại kẻ khác khỏi vòng chiến đấu, và chiếm lấy tư bản của kẻ
đó, chỉ với việc bán rẻ hơn. Để có thể bán rẻ hơn mà không phá sản, thì ông ta phải sản xuất rẻ
hơn, tức là phải tăng sức sản xuất của lao động lên hết mức.
Nhưng trên hết, sức sản xuất của lao động tăng lên là nhờ phân công lao động kĩ hơn, áp
dụng máy móc nhiều hơn, và luôn cải tiến máy móc đó. Đạo quân công nhân - trong đó lao động được phân công
- mà càng lớn, qui mô sử dụng máy móc mà càng lớn; thì chi phí sản xuất càng giảm đi một cách tương đối, lao
động càng có năng suất. Do đó mà có sự ganh đua toàn diện giữa các nhà tư bản, để tăng cường phân công
lao động, tăng cường máy móc, và sử dụng hai cái đó trên qui mô lớn nhất có thể.
Bây giờ, nếu nhờ việc phân công lao động tốt hơn, nhờ sử dụng và cải tiến các máy móc mới, nhờ
việc khai thác các năng lượng tự nhiên tốt hơn và nhiều hơn; một nhà tư bản có thể dùng cùng một
lượng lao động (là tích lũy hay trực tiếp thì cũng thế) mà sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn so với
những kẻ cạnh tranh, ví dụ như sản xuất 1 met vải lanh trong khoảng thời gian bằng với thời gian những
kẻ kia làm ra nửa met; khi đó, nhà tư bản ấy sẽ làm gì?
Ông ta có thể bán nửa met vải lanh theo giá cũ trên thị trường, nhưng thế thì không loại được đối
thủ ra khỏi vòng chiến, hay mở rộng được thị trường của mình. Trong khi đó, nhu cầu thị
trường của ông ta sẽ tăng lên cùng với mức tăng sức sản xuất. Thực tế là những phương tiện
sản xuất mạnh hơn và đắt hơn - mà ông ta có được - cho phép ông ta bán hàng rẻ hơn, nhưng nó cũng
buộc ông ta phải bán nhiều hàng hơn, phải kiểm soát được một thị trường vô cùng lớn
hơn cho hàng hóa của mình; do đó, nhà tư bản ấy sẽ bán nửa met vải lanh với giá rẻ hơn các đối thủ
cạnh tranh.
Nhưng nhà tư bản sẽ không bán 1 met vải lanh bằng với mức giá mà những người kia bán nửa met, dù chi phí
sản xuất ra 1 met của ông ta không nhiều hơn chi phí sản xuất ra nửa met của người khác. Nếu không làm thế thì ông
ta sẽ không thu được lợi nhuận thêm nào cả, mà chỉ bù lại được chi phí sản xuất thôi. Ông ta có thể
vẫn kiếm về nhiều thu nhập hơn, nhưng là vì ông ta sử dụng nhiều tư bản hơn, chứ không phải vì tư
bản của ông ta tạo ra nhiều lợi nhuận hơn các tư bản khác. Vả lại, ông ta vẫn đạt được
mục tiêu của mình, nếu bán hàng hóa của mình với giá chỉ thấp hơn vài % so với các đối thủ. Ông ta loại họ
khỏi vòng chiến, ít ra cũng chiếm lấy một phần thị trường của họ, bằng cách hạ giá.
Cuối cùng, hãy nhớ là giá thông thường luôn thấp hơn hoặc cao hơn chi phí sản xuất, tùy theo việc bán
hàng hóa diễn ra trong thời kì công nghiệp thuận lợi hay không. Tùy theo giá thị trường của 1 met vải lanh đứng cao
hơn hay thấp hơn chi phí sản xuất cũ, mà số % nhà tư bản kiếm được trội hơn chi phí sản xuất
thực của mình - do việc sử dụng phương tiện sản xuất mới có năng suất cao hơn - sẽ biến
đổi.
Nhưng đặc quyền của nhà tư bản của chúng ta sẽ không kéo dài. Các nhà tư bản cạnh tranh với ông ta
cũng sẽ sử dụng những máy móc ấy, cách phân công lao động ấy, trên một qui mô như thế hoặc thậm chí lớn
hơn. Và cuối cùng, những cải tiến đó sẽ trở nên phổ biến đến mức, giá của vải lanh sẽ không
chỉ thấp hơn chi phí sản xuất cũ, mà còn thấp hơn cả chi phí sản xuất mới.
Vậy là trong quan hệ với nhau, các nhà tư bản lại thấy mình ở vào đúng cái tình thế trước khi áp
dụng các phương tiện sản xuất mới; và nếu trước đây, họ có thể bán số sản phẩm nhiều
gấp đôi, với giá cũ; thì bây giờ, họ buộc phải bán số sản phẩm nhiều gấp đôi ấy, với giá
thấp hơn giá cũ. Khi chạm đến cái mức mới, tức là chi phí sản xuất mới, thì cuộc chiến giành ưu
thế trên thị trường diễn ra lại từ đầu. Phân công lao động hơn nữa, sử dụng máy móc hơn nữa,
và áp dụng các biện pháp đó trên qui mô lớn hơn nữa. Và cạnh tranh một lần nữa đem lại chính cái phản ứng
tương tự với kết quả đó.
Chú thích của người dịch
1 Phần này đăng trên số báo 269, ra ngày 11 tháng Tư. Trong bài báo gốc có ghi "Köln, ngày 10 tháng Tư".
[Chương trước]
[Mục lục]
[Chương sau]