Mác - Ănggen
Phê phán cương lĩnh Gotha


IV

Bây giờ, tôi bàn đến phần nói về dân chủ.

A. "Cơ sở tự do của nhà nước".

Trước hết, như ta đã thấy ở phần II, Đảng công nhân đang đấu tranh cho một "nhà nước tự do".

Nhà nước tự do là cái gì ?

Làm cho nhà nước được "tự do", - đó quyết không phải là mục đích của những người công nhân đã thoat khỏi cái cách suy nghĩ hạn chée của những thần dân. ở Đế chế Đức, "nhà nước" hầu như cũng "tự do" như ở Nga. Tự do là ở chỗ biến nhà nước, cơ quan tối cao của xã hội, thành một cơ quan hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội, và ngay cả ngày nay nữa, các hình thức nhà nước tự do hay không tự do là tuỳ ở chỗ trong những hình thức ấy, "sự tự do của nhà nước" bị hạn chế nhiều hay ít.

Đảng công nhân Đức - tí nhất cũng là khi nó lấy bản cương lĩnh ấy làm cương lĩnh củ mình - chứng tỏ rằng nó chưa thấm nhuần những tư tưởng xã hội chủ nghĩa; đáng lẽ phải coi xã hội hiện tồn (và điều này cũng áp dụng cho mọi xã hội tương lai) là cơ sở của nhà nước biện tồn (hoặc coi xã hội tương lai là cơ sở của nhà nước tương lai), thì trái lại, Đảng công nhân Đức lại coi nhà nước là một thực tại độc lập, có những "cơ sở tinh thần, đạo đức và tự do" riêng của nó.

Thêm vào đó, lại còn có sự lạm dụng thô bạo những chữ "nhà nước hiện nay", "xã hội hiện nay" ở trong bản cương lĩnh và một sự hiểu lầm còn thô bạo hơn nữa về cái nhà nước mà nó đã yêu sách.

"Xã hội hiện nay" là xã hội tư bản chủ nghĩa tồn tại trong tất cả các nước văn minh, ít nhiều thoát khỏi những yếu tố trung cổ, bị biến đổi bởi sự phát triển lịch sử riêng của mỗi nước, ít nhiều đã phát triển. Trái lại, "nhà nước hiện nay" thì thay đổi theo với biên giới quốc gia. ở Đế chế Đức - Phổ, cái "nhà nước hiện nay" khác ở Thuỵ-sĩ, và ở Anh khác ở Mỹ. Vậy "nhà nước hiện nay" là một điều bịa đặt.

Tuy thế, mặc dầu có vô vàn hình thức khác nhau, nhưng những nhà nước khác nhau trong nhưũng nước văn minh khác nhau đều có một điểm chung là được xây dựng trên miếng đất của xã hội tư sản hiện đại, chỉ có điều là phát triển ít hay nhiều theo phương thức tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, những nhà nước ấy cũng đều có chung một số tính chất căn bản. Theo ý nghĩa đó, người ta có thể nói đến "chế độ nhà nước hiện nay", ngược lại với tương lai, khi gốc rễ hiện nay của nó, tức là xã hội tư sản, bị tiêu vong.

Một vấn đề nảy ra là: chế độ nhà nước sẽ biến đổi như thế nào trong một xã hội cộng sản chủ nghĩa? Nói một cách khác, lúc bấy giờ sẽ còn lại những chức năng xã hội nào giống như những chứuc năng hiện nay của nhà nước? Chỉ có thể giải đáp câu hỏi đó một cách khoa học mà thôi, và dù có ghép từ nhân dân với từ nhà nước đến một nghìn lần thì người ta cũng không làm cho vấn đề nhích thêm được một chút nào.

Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa, là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy, là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nếu chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản.

Thế mà bản cương lĩnh không đả động gì đến vấn đề chuyên chính vô sản, cũng chẳng nói gì đến chế độ nhà nước tương lai trong xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Những yêu sách chính trị của bản cương lĩnh chẳng chứa đựng cái gì khác hơn là bài kinh dân chủ mà mọi người đều biết: quyền đấu phiếu phổ thông, quyền lập pháp trực tiếp, dân quyền, dân vệ, v.v... Những yêu sách đó chỉ là tiếng vọng của Đảng nhân dân tư sản, của tổ chức Liên đoàn vì hoà bình và tự do. Đó toàn là những yêu sách nếu không phải bị cường điệu lên thành những quan niệm kỳ dị thì cũng là những yêu sách đã được thực hiện rồi. Có điều là cái nhà nước đã thực hiện những yêu sách đó, lại tuyệt nhiên không tồn tại ở trong biên giới của Đế chế Đức, mà tồn tại ở Thuỵ-sĩ, ở Mỹ, v.v... Loại "nhà nước tương lai" ấy là một nhà nước hiện nay, tuy rằng nó tồn tại ở ngoài "khuôn khổ" của Đế chế Đức.

Nhưng người ta đã quên mất một điều. Vì Đảng công nhân Đức đã tuyên bố rõ ràng rằng nó hoạt động trong lòng "nhà nước dân tộc hiện nay", tức là trong lòng cái nhà nước của nó, Đế chế Đức - Phổ - và nếu không thể thì những yêu sách của nó phần lớn sẽ vô nghĩa, vì người ta chỉ đòi hỏi cái gì mà người ta còn chưa có - nên đáng lẽ ra nó không nên quên điều chủ yếu nhất, cụ thể là tất cả những cái nhỏ nhặt tốt đẹp ấy đều dựa trên sự thừa nhận cái gọi là chủ quyền của nhân dân, và do đó những cái ấy chỉ đúng chỗ trong một nước cộng hoà dân chủ mà thôi.

Vì người ta không dám - và không dám là phải, vì tình hình bắt buộc phải thận trọng - đòi thành lập nên cộng hoà dân chủ, như những bản cương lĩnh của công nhân Pháp đòi dưới thời Louis-Philippe và Louis Napoleon, cho nên cũng không nên dùng đến cái lối lảng tránh (vừa không được "trung thực" lại vừa không xứng đáng) là đòi hỏi những cái chỉ có ý nghĩa trong một nước cộng hoà dân chủ, ở một nhà nước chỉ là một nền độc tài quân sự được bảo vệ bằng cảnh sát, được tổ chức theo lối quan liêu, được trang sức bằng những hình thức nghị viện, với một mớ hỗn hợp những yếu tố phong kiến và đồng thời đã chịu ảnh hưởng của giai cấp tư sản, (và hơn nữa, lại còn trịnh trọng đảm bảo với cái nhà nước ấy là người ta cho rằng có thể giành được ở nó những cái như thể bằng "những thủ đoạn hợp pháp"!).

Ngay cả phái dân chủ tầm thường vẫn coi chế độ cộng hoà dân chủ là triều đại nghìn năm của Chúa và tuyệt nhiên không ngờ rằng chính dưới cái hình thức nhà nước cuối cùng này của xã hội tư sản, cuộc đấu tranh giai cấp ắt phải được giải quyết dứt khoát, - ngay cả phái dân chủ ấy cũng còn vô cùng cao hơn cái thứ chủ nghĩa dân chủ kiểu như thế, một thứ chủ nghĩa dân chủ bị hạn chế trong những điều mà cảnh sát cho phépvà những điều mà lô-gích không cho phép.

Trên thực tế, người ta quan niệm "nhà nước" là bộ máy chính trị hay là một nhà nước do sự phân công lao động mà cấu thành một cơ thể riêng, tách rời khỏi xã hội; câu sau đây đac chỉ rõ điều đó: "Đảng công nhân Đức đòi hỏi một thứ thuế luỹ tiến duy nhất đánh vào thu nhập, v.v..., coi đó là cơ sở kinh tế của nhà nước". Thuế là cơ sở kinh tế của bộ máy chính phủ, chứ không phải là gì khác. Trong nhà nước tương lai hiện đang tồn tại ở Thuỵ-sĩ thì yêu sách đó gần như đã được thực hiện rồi. Thuế đánh vào thu nhập giả định những nguồn thu nhập khác nhau của các giai cấp xã hội khác nhau, do đó giá định xã hội tư bản chủ nghĩa. Cho nên không lấy gì làm lạ là các nhà cải cách tài chính ở Liverpool - những phần tử tư sản do người em của Gladstone đứng đầu - cũng đưa ra một yêu sách giống như bản cương lĩnh.

B. "Để làm cơ sở tinh thần và đạo đức cho nhà nước, Đảng công nhân Đức đòi hỏi:

1. "Giáo dục nhân dân, phổ cập và như nhau đối với tất cả mọi người, do nhà nước đảm nhiệm. Giáo dục bắt buộc đối với tất cả mọi người. Học không phải mất tiền".

Giáo dục nhân dân như nhau đối với tất cả mọi người ư ? Bằng những chữ đó, người ta muốn nói những gì? Tưởng rằng trong xã hội hiện nay (và người ta cũng chỉ nói đến xã hội hiện nay thôi), việc giáo dục lại có thể như nhau cho tất cả các giai cấp ư? Hay là người ta muốn dùng bạo lực buộc ngay cả các giai cấp trên, cũng phải hạ thấp xuống ngang cái mức giáo dục của trường học bình dân, một nền giáo dục chỉ thích hợp với hoàn cảnh kinh tế không những của công nhân làm thuê mà cả của nông dân nữa ?

"Giáo dục bắt buộc đối với tất cả mọi người. Học không phải mất tiền". Điều thứ thứ nhất thì ngay ở Đức cũng đã có rồi; điều thứ hai thì đã có ở Thuỵ-sĩ [và] ở Mỹ đối với các trường học bình dân. Nếu trong một số bang ở Mỹ, vào các trường "cao trung" cũng "không phải mất tiền" thì điều đó chỉ có nghĩa là trên thực tế, những bang ấy lấy vào những khoản thuế chung để chi những kinh phí giáo dục cho các giai cấp trên. Nhân tiện cũng nói qua rằng cái "thủ tục xét xử không mất tiền" mà điều A.5 đòi hỏi thì cũng thế. Đâu đâu, việc xét xử hình sự cũng đều không mất tiền; việc xét xử dân sự hầu như chỉ xoay quanh những vụ tranh chấp tài sản và do đó hầu như chỉ liên quan đến những giai cấp có của. Vậy những giai cấp này sẽ bắt túi tiền của nhân dân phải chịu phí tổn cho các vụ kiện cáo của họ hay sao ?

Đáng lẽ trong đoạn nói về nhà trường, ít ra cũng phải đòi gắn liền các trường kỹ thuật (lý thuyết và thựuc hành) vào trường học bình dân.

Một nền "giáo dục nhân dân do nhà nước đảm nhiệm" đó là điều hoàn toàn đáng vứt bỏ. Dùng một đạo luật chung để quy định những kinh phí cho các trường học bình dân, quy định những kinh phí cho các trường học bình dân, quy định trình độ chuyên môn của nhân viên giáo dục, quy định những môn giảng dạy, v.v... và dùng các viên thanh tra nhà nước để giám sát, như ở Mỹ, việc thi hành những quy định ấy của pháp luật - đó là một cái gì hoàn toàn khác với việc chỉ định nhà nước làm người giáo dục nhân dân! Ngược lại cần phải gạt bỏ mọi ảnh hưởng của chính phủ cũng như của giáo hội đối với nhà trường. Cố nhiên, trong Đế chế Đức - Phổ (và cái lối lảng tránh vô vị bảo rằng ở đây người ta đang nói đến một "nhà nước tương lai" nào đó cũng chẳng giúp ích gì được cả; chúng ta đã thấy cái đó là cái gì rồi) thì trái lại, chính nhà nước lại cần được nhân dân giáo dục một cách rất nghiêm khắc.

Vả lại, mặc dầu tất cả những lời lẽ dân chủ rất kêu cảu nó, toàn bộ cương lĩnh từ đầu chí cuối đều nhiễm phải cái bệnh của phái Lassalle là lòng tin của thần dân vào nhà nước, hoặc là - điều này cũng chẳng có gì tốt hơn - tin vào phép mầu dân chủ, hay nói cho đúng hơn, đó là sự thoả hiệp giữa hai lòng tin ấy vào phép mầu, cả hai loại đều xa lạ như nhau với chủ nghĩa xã hội.

"Quyền tự do tín ngưỡng" ! Nếu giờ đây, trong thời kỳ Kulturkampf này, người ta muốn nhắc lại cho phái tự do những khẩu hiệu trước kia của họ thì người ta chỉ có thể nhắc lại dưới hình thức này. Mỗi người phải được thoả mãn những nhu cầu tự nhiên của mình về tôn giáo và về thể xác mà cảnh sát không được chõ mũi vào. Nhưng ở đây, Đảng công nhân phải lợi dụng cơ hội này để nói rõ sự tin tưởng chắc chắn củ mình rằng "quyền tự do tín ngưỡng" tư sản chẳng phải cái gì khác hơn là sự dung thứ đủ các loại tự do tín ngưỡng tôn giáo, còn đảng thì ngược lại, ra sức giải thoát lương tri của con người khỏi bóng ma tôn giáo. Nhưng người ta lại không muốn vượt quá trình độ "tư sản".

Tôi sắp kết thúc, vì bản phụ lục kèm theo cương lĩnh không phải là một phần đặc trưng của nó. Cho nên dưới đây, tôi sẽ nói rất vắn tắt.

[Phần III]   [Mục lục]   [Phụ lục]