K.Marx - F.Enggels
Tiểu luận về chiến tranh
Cuối cùng chúng tôi đã nhận được của phóng viên báo "Standard" bản tin của một người đã chứng kiến tình hình đã xảy ra trong đạo quân của Buốc-ba-ki vào thời gian chiến dịch tháng Giêng bất hạnh của nó. Phóng viên này nằm ở sư đoàn của tướng Crê-me, sư đoàn là đầu cánh trái khi tấn công và là hậu vệ khi rút lui. Bản tin của phóng viên này tuy, đương nhiên là như vậy, phiến diện và đầy dãy những sự không chính xác về những sự việc ông ta không trực tiếp nhìn thấy, nhưng rất có giá trị vì nó đưa ra những sự việc và ngày tháng trước đây chưa rõ, do đó làm sáng tỏ giai đoạn ấy của chiến tranh.
Đạo quân của Buốc-ba-ki với quân số 133.000 người và 330 khẩu pháo xem ra vị tất xứng đáng với cái tên tập đoàn quân. Binh sĩ của quân chủ lực có những sĩ quan khá đã kém quân cảnh vệ lưu động về mặt thể lực, nhưng quân cảnh vệ lưu động vị tất có những sĩ quan hiểu biết dù chỉ là chức trách sơ đẳng của mình. Tin nhận được từ Thụy Sĩ xác nhận điều đó; nếu như những tin này thuật lại còn tồi tệ hơn tình hình sức khỏe của quân đội thì chúng ta chớ nên quên rằng chiến dịch kéo dài một tháng trong điều kiện đói rét đã ảnh hưởng đến họ như thế nào. Theo tất cả các tin thì quân trang- quần áo và giầy - hình như rất thảm hại. Ngành quân nhu, hay dù chỉ một tổ chức nào đó thôi để trưng thu lương thực một cách có quy củ đôi chút và đều đặn chừng nào đó rồi phân phối lương thực thu được bằng cách đó hóa ra hoàn toàn không tồn tại trên thực tế.
Trong 4 quân đoàn rưỡi tham chiến thì 3 quân đoàn (15, 18 và 20) đã chuyển giao cho Buốc-ba-ki ngay từ ngày 5 tháng Chạp; chắc chắn là rất nhanh sau đó người ta đã có kế hoạch tiến quân về phía đông. Cho đến ngày 5 tháng Giêng, tất cả các cuộc chuyển quân của ông ta chỉ là các cuộc hành quân nhằm mục đích tập trung quân và không vấp phải trở ngại nào từ phía địch; do đó chúng không phải là sự chướng ngại đối với việc cải tiến tổ chức của đạo quân đó, mà hoàn toàn ngược lại. Năm 1813, Na-pô-lê-ông đã biến những tân binh chưa qua huấn luyện của mình thành binh sĩ trong cuộc hành quân sang Đức. Như vậy Buốc-ba-ki có cả một tháng để huấn luyện và nếu như hết thời gian mà ông ta có được như thế, quân của ông ta vẫn giao chiến với địch trong tình trạng như mô tả trên kia thì tội lỗi là ở chính ông ta. Ông ta đã không biểu hiện năng lực của nhà tổ chức.
Như người ta nói, kế hoạch ban đầu là chia thành 4 cánh quân tiến về Ben-pho; một cánh vận động dọc theo phía đông sông Đu, qua Giuy-ra để chiếm lĩnh hoặc vu hồi Mông-be-li-ác và sườn trái của quân Phổ; cánh thứ hai tiến dọc theo triền sông Đu để tấn công chính diện; cánh thứ ba tiến theo con đường chạy quá về phía tây, qua Ru-giơ-mông và Vi-léc-xếch-xen đánh vào sườn phải của địch; còn sư đoàn của Crê-me thì phải tiến từ Đi-giông qua Luy-rơ và vượt sang bên kia sườn phải của quân Phổ. Nhưng kế hoạch ấy có thay đổi. Cả ba cánh đầu đều tiến cùng một con đường dọc theo thung lũng, - vì thế mà mất đi 5 ngày như người ta khẳng định; trong thời gian này Véc-đe đã nhận được quân tăng viện, và vì toàn bộ đạo quân của Buốc-ba-ki cũng bị đánh lui về độc một con đường rút lui, nên nó lại mất thời gian và do đó bị cắt mất đường về Li-ông và bị ép vào biên giới Thụy Sĩ. Hoàn toàn rõ ràng là sự di chuyển của những đơn vị quân đội khoảng 120.000 người- mà là những đơn vị quân đội được tổ chức rất kém - thành một cánh quân và chỉ tiến theo một con đường tất gây ra lộn xộn và chậm chạp, nhưng cho rằng sai lầm ấy thật sự nghiêm trọng như thế cũng chưa xác thực. Theo tất cả những tin trước đây các đơn vị của Buốc-ba-ki đã tiến đến Ben-pho trên một chính diện rộng từ Vi-léc-xếch-xen đến biên giới Thụy Sĩ, mà điều đó có nghĩa là đã sử dụng những con đường khác nhau được nêu lên trong kế hoạch ban đầu. Nhưng dù nguyên nhân của sự chậm trễ ra sao thì nó cũng đã xảy ra và thành nguyên nhân chính của sự bại trận ở Ê-ri-cua. Trận Vi-léc-xếch-xen xảy ra ngày 9 tháng Giêng. Vi-léc-xếch-xen cách trận địa quân Phổ ở Ê-ri-cua chừng 20 dặm và Buốc-ba-ki cần có 5 ngày cho đến chiều tối ngày 14 để đưa quân của mình tới những trận địa ấy và để có thể tấn công chúng vào sáng sớm hôm sau; trong một bài trước đây, chúng tôi đã chỉ ra đấy là sai lầm nghiêm trọng đầu tiên trong cuộc tiến quân này[1*] còn bây giờ, qua bản tin của phóng viên, chúng tôi thấy rằng các sĩ quan của Crê-me đã hiểu được điều đó, thậm chí trước khi bắt đầu trận đánh ở Ê-ri-cua.
Trong trận đánh ba ngày này, 130.000 quân Pháp đã chiến đấu với 35.000- 40.000 quân Đức và không chiếm nổi trận địa có công sự của bọ. Với ưu thế về số lượng như vậy có thể tiến quân hết sức táo bạo ở hai bên sườn. Bốn hoặc năm vạn người kiên quyết lao vào sau lưng quân Đức trong lúc bộ phận còn lại kiềm chế địch từ chính diện thì hầu như chắc chắn có thể buộc địch rút khỏi trận địa của nó. Nhưng đáng lẽ làm như thế lại chỉ có tấn công chính diện, chính diện có công sự của một trận địa nên đã gây ra những thiệt hại nặng nề và vô ích. Những cuộc tấn công bên sườn được tiến hành yếu ớt đến mức ở sườn phải quân Đức chỉ có một lữ đoàn quân Đức (của Ken-lơ) đã đủ không những đánh lui những cuộc tấn công ấy mà còn giữ vững được Phrai-ơ và Se-ne-bi-ơ rồi đến lượt nó lại đánh bọc sườn quân Pháp. Như vậy, những đơn vị mới của Buốc-ba-ki đã buộc phải hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn nhất chỉ có thể được đặt ra cho binh sĩ trong chiến đấu trong khi với ưu thế số lượng của họ mà chiếm trận địa bằng cách cơ động thì sẽ dễ dàng hơn. Nhưng có lẽ kinh nghiệm 5 ngày vừa qua đã chỉ ra cho Buốc-ba-ki thấy rằng trông mong vào tính cơ động của đạo quân của ông ta thì chỉ là uổng công mà thôi.
Sau khi cuộc tấn công bị đánh lui hoàn toàn vào ngày 17 tháng Giêng là cuộc rút lui về Bơ-dăng-xông. Hoàn toàn có thể là cuộc rút lui ấy đã diễn ra chủ yếu theo một con đường trong thung lũng sông Đu, nhưng chúng tôi được biết nhiều đơn vị lớn đã rút lui theo những con đường khác gần biên giới Thụy Sĩ. Dù sao thì chiều ngày 22, hậu vệ do Crê-me chỉ huy đã đến Bơ-dăng-xông. Do đó tiền vệ chắc chắn đã đến đấy từ ngày 20 và ngày 21 đã phải sẵn sàng tấn công quân Phổ đã đến Đô-lơ ngày hôm đó. Nhưng không, người ta không chú ý gì đến quân Phổ khi Crê-me chưa tới khi Crê-me tới thì được đổi ngay từ hậu vệ thành tiền vệ và ngày 23 được cử đi Xanh-vi đón đánh quân Đức. Hôm sau, Crê-me được lệnh trở lại Bơ-dăng-xông; hai ngày đã mất đi trong sự do dự và án binh bất động cho đến khi Buốc-ba-ki định tự sát sau khi duyệt quân đoàn 18 vào ngày 26. Bấy giờ bắt đầu cuộc rút lui hỗn loạn về hướng Pông-tác-li-ơ. Nhưng ngày hôm ấy quân Đức ở Mu-sác và Xa-lanh đã gần biên giới Thụy Sĩ hơn là những đội quân đang tháo chạy mà con đường rút lui của họ trên thực tế đã bị cắt đứt. Đây không còn là cuộc chạy đua về tốc độ nữa; quân Đức có thể ung dung chiếm các lối ra của các thung lũng dọc mà quân Pháp còn có thể tháo qua được trong khi các đơn vị khác của chúng dồn quân Pháp từ phía sau lưng. Kế đó là những trận chiến đấu ở xung quanh Pông-tác-li-ơ; những trận chiến đấu này đã cho đạo quân Pháp bại trận thấy rằng nó đã bị cắt rời mà kết quả là hiệp nghị Lơ-ve-ri-ê và toàn bộ đạo quân đầu hàng người Thụy Sĩ[134].
Toàn bộ hành động của Buốc-ba-ki từ ngày 15 đến 26 tháng Giêng có lẽ chứng minh rằng ông ta đã mất hết tin tưởng vào binh sĩ của mình, do đó, mất hết sự tự tin. Tại sao ông ta cho các cánh quân của mình dừng lại ở Bơ-dăng-xông khi Crê-me chưa tới do đó. Bỏ lỡ mọi cơ hội chạy thoát, tại sao ông ta đã gọi ngay sư đoàn Crê-me là sư đoàn thiện chiến nhất trong đạo quân của ông trở về sau khi cử nó từ Bơ-dăng-xông đi đánh quân Phổ đã phong tỏa con đường chạy thẳng đến Li-ông, tại sao sau đó ông ta còn lần lữa thêm 2 ngày mà kết quả là mất đi cả thảy ở Bơ-dăng-xông những 6 ngày- tất cả những điều đó không thể giải thích được nếu như không giả định rằng Buốc-ba-ki hoàn toàn thiếu tính quả quyết, phẩm chất chủ yếu nhất của một người chỉ huy hành động một cách tự chủ. Chuyện cũ của chiến dịch tháng Tám được lặp lại. Và lạ thay, viên tướng do nền đế chế để lại lại một lần nữa biểu lộ sự do dự cực độ ấy trong khi không một viên tướng nào của nền cộng hòa- dù sai lầm của họ ra sao- biểu lộ sự do dự như thế và bị trừng phạt như thế vì sự do dự ấy.
[1*]. Xem tập này. tr.323.