K.Marx - F.Enggels
Tiểu luận về chiến tranh


XA-RA-GỐT- PA-RI

Đã đăng trên tờ "The Pall Mall Gazette" số 1776, ngày 22 tháng Mười 1870

Để có được một quan niệm đúng đắn về một chiến dịch to lớn như việc vây hãm và phòng ngự thành phố Pa-ri, thì cần phải quay trở lại lịch sử chiến tranh, quay trở lại một cuộc vây hãm nào đó trong những cuộc vây hãm lớn trước kia, có thể làm ví dụ- dù chỉ đến một mức độ nào thôi- cho điều mà chúng ta có thể sẽ là những người chứng kiến. Ví dụ đó sẽ có thể là Xê-va-xtô-pôn, nếu như việc phòng thủ Pa-ri sẽ diễn ra trong những điều kiện bình thường, nghĩa là nếu như có một đạo quân hoạt động trong những điều kiện dã chiến sẽ đến chi viện cho Pa-ri hay sẽ đến tăng cường cho đội quân đồn trú của nó, giống như ở Xê-va-xtô-pôn. Nhưng Pa-ri đang được phòng thủ trong những điều kiện bất bình thường: nó không có một đội quân đồn trú có thể tiến hành phòng thủ tích cực, tác chiến ở nơi trống trải, cũng không có một hy vọng chắc chắn nào về sự giúp đỡ của bên ngoài. Như vậy cuộc vây hãm lớn nhất trong lịch sử - tức là cuộc vây hãm Xê-va-xtô-pôn, về quy mô thì chỉ thua cuộc vây hãm mà chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ thấy sự khởi đầu của nó - không cho ta một quan niệm đúng đắn về điều sẽ diễn ra ở Pa-ri; và chỉ ở những giai đoạn sau của cuộc vây hãm, chủ yếu là bằng cách đối chiếu, ta mới sẽ có thể so sánh được với những sự kiện trong cuộc Chiến tranh Crưm.

Cả những cuộc vây hãm trong cuộc chiến tranh ở Mỹ[80] cũng không phải là những thí dụ tốt nhất. Những cuộc vây hãm đó đã diễn ra trong thời kỳ đấu tranh mà không những quân đội của miền Nam, mà sau nó là cả những đội quân của miền Bắc nữa, cũng đã mất những nét vốn có của một đội dân binh không được huấn luyện, và đã có tính chất những đội quân chính quy. Trong tất cả những cuộc vây hãm đó, việc phòng thủ đã diễn ra hết sức tích cực. Ở Vích-xbéc-gơ cũng như ở Rích-mơn, trước đó đã diễn ra những cuộc chiến đấu lâu dài để giành cái vị trí mà chỉ ở đó mới có thể bố trí các đơn vị pháo công thành, và trừ vụ vây hãm Rích-mơn lần cuối cùng do Gran-tơ thực hiện, thì bao giờ cũng có những cố gắng chi viện cho những người bị bao vây[81]. Nhưng ở đây ở Pa-ri, chúng ta thấy một đội quân đồn trú gồm những tân binh, được sự ủng hộ yếu ớt cũng của những tân binh đã bị đánh bật ra ngoài thành phố; đội quân đồn trú đó đang bị một quân đội chính quy sử dụng tất cả những phương tiện chiến tranh hiện đại tấn công. Để tìm ra một ví dụ thích hợp, chúng ta cần phải quay trở lại cuộc chiến tranh gần đây, trong đó nhân dân vũ trang đã phải chiến đấu chống lại một quân đội chính quy và nó đã thực sự chiến đấu trên những quy mô rộng lớn,- tức là chúng ta phải quay trở lại cuộc chiến tranh trên bán đảo Pi-rê-nê. Ở đày chúng ta sẽ tìm thấy một ví dụ tuyệt vời, và như chúng ta sẽ thấy, nó sẽ phù hợp về nhiều mặt, - ví dụ đó là Xa-ra-gốt.

Xa-ra-gốt theo đường kính chỉ bằng một phần ba Pa-ri và về diện tích thì bằng một phần chín của thành phố này, nhưng những công sự của nó- mặc dầu là được xây dựng gấp rút và không có những pháo đài độc lập- xét về toàn bộ sức phòng thủ của chúng, thì cũng giống như những công sự của Pa-ri. Thành phố đó do một đội quân đồn trú gồm 25.000 người Tây Ban Nha đóng giữ, những binh lính này đã tìm được ở đây một nơi trú ẩn sau trận thất bại ở Tu-đê-la[82]; trong bọn họ có không quá 10.000 người là quân chủ lực thật sự, số còn lại thì gồm những tân binh trẻ; ngoài ra ở đấy còn có những nông dân và dân địa phương vũ trang làm tăng số lượng đội quân đồn trú lên tới 40.000 người. Trong thành phố có 160 khẩu đại bác. Ở ngoài thành phố, ở các tỉnh lân cận, người ta đã tập hợp được 30.000 người để chi viện cho thành phố. Mặt khác, thống chế Pháp Xuy-sơ có không hơn 26.000 người để bao vây pháo đài ở hai bên bờ sông ê-brơ, và ngoài số đó ra, còn có 9.000 người để yểm hộ cho việc vây hãm ở Ca-la-tai-út. Như vậy, về mặt số lượng, lực lượng so sánh cũng gần giống như lực lượng so sánh giữa đạo quân hiện nay đang nằm trong Pa-ri và đạo quân đang đóng ở ngoại ô Pa-ri: số người bị bao vây hầu như gấp đôi số người bao vây. Nhưng quân Xa-ra-gốt, cũng giống như quân Pa-ri hiện nay, không thể xuất kích và giao chiến với quân bao vây trên một trận địa trống trải. Những người Tây Ban Nha ở ngoài thành phố bị vây hãm cũng không một lần nào cản trở được một cách thật sự cuộc vây hãm.

Cuộc bao vây thành phố đó được thực hiện xong ngày 19 tháng Chạp 1808; ngay ngày 29 người ta đã có thể đào được hào song song đầu tiên chỉ cách bức tường thành chính có 350 i-ác-đơ. Ngày 2 tháng Giêng 1809, họ đã đào được hào song song thứ hai cách các công sự 100 i-ác-đơ; đến ngày 11, người ta đã mở được các đột phá khẩu, và toàn bộ tuyến bị tấn công đã bị chiếm lĩnh bằng một trận xung phong. Nhưng trong trường hợp này, ở nơi nào mà một pháo đài thông thường với một đội quân đồn trú gồm quân chính quy đã thôi không kháng cự nữa, - thì lúc đó sức mạnh phòng thủ của nhân dân mới bắt đầu thể hiện ra. Đoạn tường thành nào bị quân Pháp xung phong chiếm lĩnh, thì liền bị cách ly khỏi phần còn lại của thành phố bởi những công sự phòng thủ mới được xây dựng. Cắt ngang qua tất cả những phố xá dẫn tới tường thành, người ta đã nhanh chóng xây dựng các công sự bằng đất được bảo vệ bằng pháo binh, hơn nữa, ở những khoảng cách nhất định phía sau lưng chúng người ta cũng xây dựng các công sự. Trong các ngôi nhà được xây dựng theo kiểu những nhà nặng nề của vùng nóng nực miền Nam châu Âu, với những bức tường hết sức dày, người ta đã đục những lỗ châu mai, và chúng đã được giữ vững nhờ những lực lượng của bộ binh. Quân Pháp đã tiến hành một cuộc bắn phá không ngừng bằng đại bác, nhưng vì họ có ít súng cối hạng nặng, nên cuộc bắn phá đó không có tác dụng quyết định đối với thành phố. Tuy vậy, cuộc bắn phá đã tiếp diễn không ngừng trong thời gian 41 ngày. Để bắt buộc thành phố phải đầu hàng, để chiếm hết cả nhà này đến nhà khác, quân Pháp đã phải dùng đến một phương pháp chậm chạp nhất: đặt mìn. Cuối cùng, sau khi một phần ba nhà cửa trong thành phố đã bị phá hủy và số còn lại không còn ở được nữa, thì Xa-ra-gốt đã đầu hàng ngày 20 tháng Hai. Trong số 100.000 người ở trong thành phố lúc đầu cuộc bao vây, thì 54.000 người đã bị chết.

Cuộc phòng ngự đó là một loại phòng ngự cổ điển và hoàn toàn xứng đáng với vinh dự mà nó đã giành được. Nhưng thành phố ấy cũng vẫn chỉ chống cự được tổng cộng có 63 ngày thôi. Việc bao vây cần đến 10 ngày, vây hãm các pháo đài cần 14 ngày, vây hãm các công sự ở bên trong và đánh chiếm các nhà 39 ngày. Con số bị hy sinh hoàn toàn không thích ứng với độ dài của thời gian phòng ngự và những kết quả thực tế đạt được. Nếu như Xa-ra-gốt được 20.000 binh lính tốt và tháo vát bào vệ, thì những cuộc xuất kích của họ sẽ ngăn cản không cho Xuy-sơ cùng các lực lượng của ông ta tiếp tục cuộc vây hãm, và có thể là pháo đài ấy sẽ vẫn nằm trong tay người Tây Ban Nha cho đến khi cuộc chiến tranh năm 1809[83] ở Áo kết thúc.

Tất nhiên chúng tôi không cho rằng Pa-ri sẽ là một Xa-ra-gốt thứ hai. Những nhà cửa của Pa-ri dầu chắc chắn như thế nào đi nữa, thì về mặt độ dày và lớn cũng vẫn hoàn toàn không thể so sánh được với những nhà cửa của thành phố Tây Ban Nha đó; chúng ta cũng không có cơ sở để giả định rằng dân cư Pa-ri sẽ biểu hiện một sự cuồng nhiệt giống như người Tây ban Nha năm 1809, hay một nửa dân số sẽ kiên nhẫn đồng ý chịu chết trong chiến đấu hay vì bệnh tật. Nhưng cái giai đoạn chiến đấu bắt đầu tại Xa-ra-gốt trên các đường phô, trong các ngôi nhà và các tu viện của thành phố, sau khi bức tường thành đã bị xung phong chiếm lĩnh, - giai đoạn đó trên một mức độ nhất định có thể lặp lại ở trong các làng xóm được phòng ngự và trong những công sự bầng đất nằm giữa các pháo đài của Pa-ri và bức tường thành vây quanh Pa-ri. Như chúng tôi đã chỉ ra ngày hôm qua trong bài thứ 24 trong loạt "Tiểu luận về chiến tranh", chúng tôi cảm thấy rằng trọng tâm của sự phòng thủ hình như nằm tại đây. Ở đây, những người lính cảnh vệ lưu động trẻ tuổi thậm chí có thể chọi với kề địch đang tấn công trong những điều kiện hầu như ngang nhau và buộc chúng phải tiến hành những hoạt động có hệ thống với một mức độ lớn hơn là điều mà bộ chỉ huy Béc-lin đã tưởng; cách đây không lâu bộ chỉ huy này đã hy vọng bắt buộc thành phố ấy phải đầu hàng sau 12 hay 14 ngày, kể từ khi các đơn vị pháo công thành bắt đầu khai hỏa. Thêm vào đó, ở đấy cuộc chiến đấu với quân phòng thủ sẽ đòi hỏi kẻ tấn công phải dùng súng cối và đại bác với một cường độ lớn tới mức là ngay cả một cuộc bắn phá - ít ra cũng với quy mô lớn - có tính chất bộ phận đối với thành phố sẽ không thể có được trong một thời gian nào đó. Trong bất kỳ tình huống nào, cũng sẽ phải hy sinh những làng nằm ở ngoài phạm vi tường lũy, dầu cho chúng nằm tại bất kỳ một điểm nào ở giữa tuyến tấn công của quân Đức và tuyến phòng ngự của người Pháp. Nếu như hy sinh những làng đó mà có thể giữ được thành phố, thì điều đó lại càng tốt đối với việc phòng ngự.

Thậm chí chúng ta cũng không thể ước đoán được rằng công cuộc phòng ngự vùng nằm ở ngoài thành lũy có thể kéo dài được bao lâu. Điều đó sẽ tùy thuộc vào sự vững chắc của bản thân các công sự, vào trạng thái tinh thần của những người phòng thủ, cũng như vào.phương thức tấn công. Nếu như cuộc kháng cự diễn ra quyết liệt thì người Đức, để giữ gìn quân đội của họ sẽ trông cậy chủ yếu vào hỏa lực của pháo binh của họ. Dầu sao thì với hỏa lực rất lớn của pháo binh mà họ sẽ có thể tập trung được vào bất kỳ một điểm nào, họ chưa chắc đã cần đến hơn 2 - 3 tuần lễ để tiến tới sát tường lũy. Phá hủy và chiếm lĩnh nó bằng một trận xung phong sẽ chi là công việc của vài ngày. Nhưng ngay cả lúc đó, những người phòng thủ cũng không tuyệt đối cần phải chấm dứt sự chống cự; vả lại tốt hơn cả là nên gác việc xem xét những khả năng ấy lại cho đến lúc chúng có thể diễn ra một cách chắc chắn hơn. Từ nay cho đến lúc đó, chúng tôi cũng xin không nói về những ưu điểm và khuyết điểm của các chiến lũy của ông Rô-sơ-phoóc[84] Nói chung, chúng tôi cho rằng, nếu như những công sự mới nằm giữa các pháo đài và tường lũy sẽ chống trả được một cách thật sự quyết liệt, thì những kẻ tấn công sẽ tự giới hạn- trong chừng mực có thề làm được, phần lớn là tùy theo nghị lực của những người phòng thủ - trong việc sử dụng hỏa lực pháo binh bắn cầu vồng vã bắn thẳng, cũng như trong mưu toan dùng nạn đói để buộc Pa-ri phải đầu hàng.


[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]