K.Marx - F.Enggels
Tiểu luận về chiến tranh


TIN TỨC VỀ ĐÀM PHÁN[67]

Đã đăng trên tờ "The Pall Mall Gazette" số 1758, ngày 1 tháng Mười 1870

Chúng tôi hoàn toàn cho rằng tin tức về đàm phán mà chúng tôi chuyển tới bạn đọc hôm qua theo giả thuyết mà ông Giuy-lơ Pha-vrơ đưa ra là phù hợp với thực tế, đương nhiên trừ những sai lầm nhỏ như nói rằng hình như Bi-xmác định thôn tính Mét-xơ, Sa-tô-sa-lanh và "Xu-át-xông". Rõ ràng là ông Pha-vrơ không hiểu vị trí địa lý của Xu-át-xông. Bá tước đã nói về Xác-bua, một địa điểm như người ta đã chỉ ra từ lâu nằm trong phạm vi đường biên giới chiến lược mới trong khi Xu-át-xông ở xa giới tuyến ấy như Pa-ri hoặc Tơ-roay-ơ. Thuật lại cuộc hội đàm ấy, có lẽ ông Pha-vrơ đã chuyển đạt không hoàn toàn chính xác một số từ.

Nhưng khi ông đưa tin về các sự việc mà báo chí bán chính thức của Phổ bác bỏ thì châu Âu trung lập thường hay thích tin vào lời ông hơn. Vì vậy nếu ở Béc-lin hiện nay người ta tranh cãi về lời tuyên bố của ông Pha-vrơ về đề nghị nộp Môn-va-lê-ri-en thì rất ít người tin rằng ông Pha-vrơ bịa đặt ra điều đó hoặc hoàn toàn hiểu sai ý của bá tước Bi-xmác. Tin tức mà ông Pha-vrơ thông báo chứng tỏ rõ rằng ông hiểu tình hình thực tế kém như thế nào và quan niệm của ông về tình hình ấy lộn xộn và mơ hồ như thế nào. Ông đến để đàm phán về ngừng bắn, một cuộc ngừng bắn phải đưa đến hòa bình. Chúng tôi vui lòng tha thứ cho giả định của ông cho rằng Pháp vẫn còn có thể buộc kẻ thù từ bỏ mọi tham vọng cắt nhượng lãnh thổ; nhưng thật rất khó nói ông hy vọng đạt được đình chiến theo những điều kiện nào. Điều khoản mà rút cục người Đức đòi kỳ được là sự đầu hàng của Xtơ-ra-xbua, Tun và Véc-đen, mà hơn thế nữa quân đồn trú ở đó phải trở thành tù binh. Về sự đầu hàng của Tun và Véc-đen thì dường như đã đồng ý trên chừng mực nào đó. Nhưng Xtơ-ra-xbua? Yêu cầu ấy đã bị ông Pha-vrơ coi như là một sự nhục mạ thực sự:

"Thưa bá tước, Ngài quên rằng Ngài đang nói chuyện với người Pháp. Hy sinh đội quân phòng thủ anh dũng đã được toàn thế giới, đặc biệt là chúng tôi, khâm phục, là một sự hèn nhát và tôi không hứa với Ngài sẽ báo tin rằng Ngài đã đưa ra cho chúng lôi một đề nghị như thế".

Chúng ta thấy rằng câu trà lời ấy ít xét tới tình hình thực tế đến mức nào, chúng ta chỉ thấy trong đó sự bùng cháy của tình cảm yêu nước. Vì ở Pa-ri tình cảm này quả thực hết sức mãnh liệt nên đương nhiên lúc này không thể không tính đến nó; nhưng cũng phải cân nhắc kỹ những thực tế hiện nay. Xtơ-ra-xbua đã bị vây đánh chính quy khá lâu do đó có thể tin chắc rằng nó sắp sửa thất thủ. Một cứ điểm bị vây đánh chính quy có thể chống cự một thời gian nhất định; nhờ dốc hết sức mình nó thậm chí có thể kéo dài cuộc phòng thủ thêm mấy ngày; nhưng nếu quân đội không đến cứu viện nó thì có thể rút ra một cách chuẩn xác như toán học kết luận về sự thất thủ tất yếu của nó. Tơ-rô-suy và các nhà công trình quân sự cao cấp ở Pa-ri biết đặc biệt rõ ràng điều đó; họ biết rằng không chỗ nào có quân đội đi cứu viện Xtơ ra-xbua, thế mà Giuy-lơ Pha-vrơ, đồng sự của Tơ-rô-suy trong chính phủ dường như lại không chú ý đến tất cả cái đó. Điều duy nhất mà ông ta thấy trong yêu cầu đòi Xtơ-ra-xbua đầu hàng là sự nhục mạ đối với bản thân, đối với đội quân phòng thủ Xtơ-ra-xbua và nhân dân Pháp. Nhưng đương sự chính - tướng U-rích và đội quân phòng thủ của ông- không nghi ngờ gì hết đã làm đầy đủ để bảo vệ danh dự của mình. Nếu như bằng cách tránh cho họ mấy ngày cuối cùng của cuộc chiến đấu hoàn toàn tuyệt vọng mà có thể làm tăng thêm triển vọng mong manh về cứu vãn nước Pháp thì đối với họ đấy không phải là sự nhục mạ mà là một phần thưởng hoàn toàn xứng đáng. Không nghi ngờ gì hết, tướng U-rích thà đầu hàng theo lệnh của chính phủ để đổi lấy sự nhượng bộ ngang nhau của phía địch hơn là đầu hàng dưới sự đe dọa công kích cường tập và không có sự đền bù gì cả.

Trong thời gian ấy Tun và Xtơ-ra-xbua thất thủ, còn Véc-đen, chừng nào Mét-xơ còn đứng vững, thì hoàn toàn không có ích gì về quân sự đối với quân Đức. Vì vậy tuy không có sự đồng ý ngừng bắn, quân Đức đã giành được hầu như tất cả những cái mà Bi -xmác đã mặc cả với Giuy-lơ Pha-vrơ. Như vậy, tựa hồ như chưa bao giờ có kẻ chiến thắng đề nghị ngừng bắn với những điều kiện ôn hòa và rộng lượng hơn và cũng chưa bao giờ có kẻ bại trận bác bỏ những điều kiện ấy một cách phi lý hơn. Trong cuộc đàm phán ấy, Giuy-lơ Pha-vrơ đương nhiên không tỏ ra xuất sắc về mặt trí tuệ, mặc dù ông ta dường như có bản năng khá chuẩn xác; nhưng Bi -xmác lại đóng vai trò mới là kẻ chiến thắng rộng lượng. Đề nghị của Đức theo như ông Pha-vrơ hiểu là hết sức có lợi và nếu như nó chỉ là cái mà Pha-vrơ nghĩ tới thì nên tiếp nhận tức thời. Nhưng đề nghị ấy chứa đựng một cái gì đó nhiều hơn là Pha-vrơ nhìn thấy trong đó.

Giữa hai quân đội ở địa hình trống trải, vấn đề ký kết đình chiến được giải quyết một cách dễ dàng. Người ta xác lập giới tuyến,- một giải đất trung lập giữa hai bên tham chiến chẳng hạn- thế là vấn đề được giải quyết xong xuôi. Nhưng ở đây trên địa hình trống trải chỉ có một quân đội; quân đội kia tuy vẫn tồn tại nhưng bị giam chặt trong những cứ điểm ít nhiều đều bị bao vây. Tất cả những cứ điểm ấy sẽ ra sao? Địa vị của chúng khi đình chiến ra sao? Bi -xmác cố im lặng lơ đi tất cà những điều đó: Nếu như ký kết đình chiến hai tuần và trong đó không nói gì đến những thành phố ấy thì đương nhiên ngoài việc tiến hành hoạt động quân sự chống lại những đội quân phòng thủ và công sự ra, phải duy trì status quo[1*]. Như vậy Bi-trơ, Mét-xơ, Phan-xbua, Pa-ri và ai biết được bao nhiêu cứ điểm khác vẫn bị bao vây và cắt đứt mọi tiếp tế và liên lạc như trước; những người ở trong đó vẫn tiếp tục tiêu hao dự trữ lương thực của mình như không có đình chiến gì cả, do đó đình chiến sẽ đem lại cho bên vây đánh những kết quả hầu như cũng giống tiếp tục tác chiến. Chẳng những thế, thậm chí có thể xảy ra tình trạng là trong thời gian đình chiến một hoặc mấy cứ điểm trong số ấy dùng cạn dự trữ và buộc phải lập tức đầu hàng quân bao vây họ để khỏi chết đói Do đó thấy rằng bá tước Bi -xmác quỷ quyệt bao giờ cũng định lợi dụng đình chiến để buộc các cứ điểm của địch đầu hàng. Đương nhiên nếu như cuộc đàm phán tiếp tục và đưa tới chỗ dự thảo hiệp định thì bộ tham mưu Pháp sẽ phát hiện được điều đó và tất cũng đưa ra những yêu cầu về các thành phố bị bao vây khiến toàn bộ mưu đồ ấy chắc sẽ bị thất bại. Nhưng về phía mình ông Giuy-lơ Pha-vrơ có trách nhiệm phải nghiên cứu kỹ càng đến nơi đến chốn đề nghị của Bi-xmác và bóc trần âm mưu sâu kín của ông ta. Nếu ông Giuy-lơ Pha-vrơ đưa ra câu hỏi rằng trong thời gian đình chiến địa vị của các thành phố bị bao vây sẽ ra sao thì ông sẽ không tạo cho bá tước Bi -xmác cơ hội trưng ra trước tất cả mọi người sự rộng lượng giả dối của ông ta mà ông Giuy-lơ Pha-vrơ không thể vạch trần được, tuy rằng việc đó chẳng khó khăn gì. Đáng lẽ làm việc đó thì ông lại nồi nóng trước yêu sách đòi Xtơ ra-xbua phải đầu hàng và giao nộp đội quân phòng thủ làm tù binh khiến cho toàn thế giới thấy rõ rằng thậm chí sau những bài học xót xa của hai tháng gần đây người đại biểu của Chính phủ Pháp vẫn không đánh giá nổi tình hình thực tế vì rằng ông ta vẫn còn ờ sous la domination de la phrase[2*].


[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]


Chú thích

[1*]. hiện trạng

[2*]. dưới sự chi phối của câu chữ