K.Marx - F.Enggels
Tiểu luận về chiến tranh
Sau cuộc chiến tranh ở I-ta-li-a năm 1859, khi mà lực lượng quân sự Pháp đạt tới đỉnh cao nhất của nó, ông hoàng Phổ Phi-đrích- Các-lơ chính là người hiện nay đang thực hiện việc bao vây đạo quân của Ba-den ở Mét-xơ- đã viết một cuốn sách mỏng "Làm thế nào để đánh bại quân Pháp"[64]. Hiện nay, khi mà những lực lượng quân sự khổng lồ của Đức, được tổ chức theo hệ thống của Phổ, đang quét sạch tất cả trên đường đi của chúng, thì người ta bắt đầu tự đặt cho mình câu hỏi: trong tương lai ai sẽ đánh và làm thế nào để đánh bại quân Phổ? Và khi mà cuộc chiến tranh - lúc đầu thì nước Đức chỉ tự vệ chống lại chủ nghĩa chauvinisme[1*] Pháp- rõ ràng đang chuyển một cách dần dần nhưng chắc chắn thành một cuộc chiến tranh vì lợi ích của chủ nghĩa chauvinisme mới của Đức, thì cũng nên xét tới vấn đề đó.
Thượng đế bao giờ cũng đứng về phía các tiểu đoàn lớn - Na-pô-lê-ông trước đây thường thích giải thích như vậy nguyên nhân thua được trong các trận chiến đấu. Và nước Phổ chính đã hành động theo nguyên tắc ấy. Nó đã lo làm sao để có được những "tiểu đoàn lớn". Năm 1807, khi mà Na-pô-lê-ông cấm Phổ không được nuôi một đội quân hơn 40.000 người, thì nó bắt đầu phục viên tân binh sau 6 tháng huấn luyện, và đã gọi những người mới vào thay thế họ; và năm 1813, với một dân số là 4 triệu rưỡi người, nó đã có thể lập được một đội quân thường trực gồm 250.000 người. Về sau, cũng nguyên tắc ấy- nguyên tắc phục vụ ngắn hạn ở trung đoàn và làm hậu bị dài hạn với tư cách những người phải làm nghĩa vụ quân sự- đã được áp dụng một cách đầy đủ hơn, và ngoài ra, nguyên tắc ấy đã được làm cho thích ứng với những nhu cầu của chế độ quân chủ chuyên chế. Người ta giữ họ phục vụ ở trung đoàn tù 2 đến 3 năm, để không những huấn luyện kỹ cho họ về quân sự, mà còn để đào luyện họ một cách nghiêm khắc, dạy cho họ đến mức hoàn hảo việc quen phục tùng một cách vô điều kiện.
Chính đó là chỗ yếu của hệ thống Phổ. Nó phải dung hòa hai nhiệm vụ khác nhau, và rốt cuộc xung khắc nhau. Một mặt, nó có tham vọng biến mỗi một người đàn ông, về thể chất có khả năng phục vụ được, thành một người lính, và có được một quân đội thường trực mà mục đích duy nhất là làm trường học dạy cho các công dân biết cách sử dụng vũ khí, cũng như làm cái hạt nhân mà họ sẽ tập hợp lại ở chung quanh trong trường hợp bị nước ngoài tấn công. Về mặt ấy, hệ thống đó chỉ là một hệ thống thuần túy có tính chất phòng thủ. Nhưng mặt khác, cũng chính quân đội đó phải là chỗ dựa quân sự, là thành trì chủ yếu cho một chính phủ hầu như là quân chủ chuyên chế, nhưng để thực hiện mục đích đó thì cần phải biến trường huấn luyện quân sự cho công dân thành một trường học tuyệt đối phục tùng cấp trên, thành một trường huấn luyện ý thức quân chủ. Chỉ có thể đạt tới được điều đó với một thời hạn phục vụ dài. Chính ở đây đã bộc lộ tính chất không thể điều hòa được của hai nhiệm vụ đó. Chính sách đối ngoại phòng thủ đòi hỏi phải huấn luyện một số lượng lớn trong những thời hạn ngắn, để có thể có được một lực lượng hậu bị đông đảo đề phòng khi bị tấn công tù bên ngoài; còn chính sách đối nội thì lại đòi hỏi phải huấn luyện một số lượng hạn chế trong một thời gian dài hơn, để có được một đội quân chắc chắn để phòng khi nổ ra khởi nghĩa ở trong nước. Chế độ quân chủ hầu như chuyên chế đó đã chọn con đường trung dung. Nó đã giữ người lính tại ngũ trong cả 3 năm, và đã giới hạn số lượng người được gọi nhập ngũ tùy theo phương tiện tài chính của nó. Chế độ nghĩa vụ quân sự phổ thông được ca tụng, trên thực tế không có.Nó biến thành chế độ tuyển mộ, chỉ khác với việc tuyển mộ ở các nước khác là nó cực nhọc hơn. Chế độ tuyển mộ đó tốn kém hơn, thu hút nhiều người hơn, giữ họ ở ngạch hậu bị của quân đội trong một thời kỳ dài hơn là bất cứ một nơi nào. Trong lúc đó thì cái mà lúc ban đầu là nhân dân được vũ trang để tự bảo vệ, thì giờ đây sẽ biến thành một quân đội ngoan ngoãn, sẵn sàng đi tấn công, thành một công cụ phục vụ cho chính trị của tập đoàn thống trị cầm quyền.
Năm 1861, dân số nước Phổ vượt quá 18 triệu một ít, và hàng năm 227.000 thanh niên tới tuổi 20 bị gọi ra phục vụ quân sự. Về thể chất, già một nửa trong bọn họ có thể phục vụ được, nếu như không phải phục vụ ngay, thì cùng lắm cũng chỉ vài năm sau thôi. Nhưng đáng lẽ mỗi năm tuyển vào quân đội 114.000 tân binh thì người ta chỉ gọi không quá 63.000 người vào hàng ngũ quân đội; như vậy, hầu như một nửa dân số nam giới, về thể chất có thể phục vụ quân sự được, đã không được huấn luyện sử dụng vũ khí. Bất cứ một người nào đã đến nước Phổ trong thời gian chiến tranh, chắc cũng đều ngạc nhiên về số lượng rất lớn những thanh niên cứng cáp, khỏe mạnh, từ 20 đến 32 tuổi, đang yên ổn ngồi nhà. Cái trạng thái "tạm thời không có dấu hiệu của sự sống" mà các phóng viên đặc biệt đã nhận thấy ở Phổ trong thời gian chiến tranh, trạng thái đó chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của chính họ mà thôi.
Từ năm 1866, số người hàng năm được gọi nhập ngũ ở Liên đoàn Bắc Đức không vượt quá 93.000, với một dân số là 30.000.000 người. Nếu như lấy tất cả những nam thanh niên, về thể chất có thể phục vụ được, thì ngay cả sau một cuộc chọn lọc nghiêm ngặt nhất về mặt y tế, số lượng của họ ít nhất cũng là 170.000 người. Một mặt, những lợi ích của vương triều, và mặt khác là những nhu cầu tài chính, đã quyết định việc hạn chế số người được gọi nhập ngũ. Quân đội vẫn là một công cụ ngoan ngoãn để thực hiện những mục đích của chế độ chuyên chế ở trong nước và để tiến hành những cuộc chiến tranh ở nước ngoài vì lợi ích của tập đoàn cầm quyền; nhưng tất cả những lực lượng mà quốc gia có trong tay để phòng thủ thì còn xa mới được chuẩn bị để sử dụng.
Tuy vậy, hệ thống đó vẫn có một ưu điểm rất lớn so với chế độ thường trực lỗi thời của những quân đội lớn khác ở lục địa. So với những quân đội ấy thì Phổ đã gọi nhập ngũ một số lính đông gấp hai lần từ một số lượng dân cư tương ứng. Và nó đã biết đào tạo họ thành những người lính tốt nhờ hệ thống của nó, một hệ thống đã làm kiệt quệ những tài năng nguyên của nó, một hệ thống mà nhân dân có lẽ không bao giờ chịu để yên nếu như không có những sự xâm phạm thường xuyên của Lu-i-na-pô-lê-ông đến biên giới vùng Ranh, và nếu như không có sự mong muốn thống nhất nước Đức; mà muốn làm được việc này - như người ta đã nhờ bản năng mà cảm thấy được- thì đội quân đó là một công cụ cần thiết. Nhưng nếu như an ninh của vùng Ranh và sự thống nhất nước Đức được đảm bảo, thì nhất định người ta sẽ không thể chịu đựng được hệ thống quân sự ấy.
Ở đây chúng ta tìm ra được lời giải đáp cho câu hỏi: làm thế nào để đánh bại quân Phổ. Nếu như một quốc gia,: cũng đông như thế, cũng có năng lực, anh dũng và văn minh như thế, thực hiện trên thực tế điều mà ở Phổ chỉ nằm ở trên giấy, nếu như nó biến mỗi một người công dân về thể chất có thể phục vụ được thành một người lính; nếu như quốc gia đó đóng khung thời hạn thực sự phục vụ trong thời bình và thời hạn huấn luyện trong những giới hạn chỉ thực sự cần thiết cho mục đích đó thôi; nếu như nó duy trì một tồ chức cần thiết để bổ sung biên chế trong thời chiến bằng cái phương thức cũng hiệu quả như nước Phổ đã làm trong thời gian gần đây, - thì chúng tôi khẳng định rằng khi ấy, so với nước Đức đã Phổ hóa, nước đó cũng sẽ có một ưu thế to lớn giống như cái ưu thế to lớn của nước Đức đã Phổ hóa so với nước Pháp trong cuộc chiến tranh hiện nay. Theo ý kiến của những người có uy tín bậc nhất ở Phổ (kể cả ông bộ trưởng chiến tranh, tướng Phôn Rôn), thì thời hạn phục vụ 2 năm là hoàn toàn đủ để biến một thanh niên nông thôn thành một người lính tốt. Với sự cho phép của các ngài sĩ quan thông thái rởm của hoàng đế, chúng tôi thậm chí còn muốn khẳng định rằng, đối với đại đa số tân binh thì chỉ 18 tháng- hai đợt mùa hạ và một đợt mùa đông- là đủ. Nhưng thời gian phục vụ chính xác là một vấn đề thứ yếu. Người Phổ, như chúng ta đã thấy, đã đạt được những kết quả tuyệt vời sau sáu tháng phục vụ, hơn nữa họ đã đạt tới kết quả ấy với những người vừa mới thoát khỏi chế độ nông nô. Điều chủ yếu là ở chỗ phải thực sự thi hành nguyên tắc nghĩa vụ quân sự phổ thông.
Và nếu như cuộc chiến tranh sẽ tiếp tục đến tận cùng - điều mà bọn phi-li-xtanh Đức hiện nay đang ủng hộ- tức là cho đến lúc chia cắt nước Pháp, thì chúng ta có thể tin chắc rằng, người Pháp sẽ áp dụng nguyên tắc ấy. Cho đến nay, họ là một dân tộc thượng võ nhưng không phải là một dân tộc quân sự. Họ căm ghét việc phục vụ trong một quân đội như quân đội Pháp, dựa trên một hệ thống thường trực với một thời hạn phục vụ lâu và với một lực lượng hậu bị không lớn lắm đã được huấn luyện. Họ sẽ vui lòng phục vụ trong quân đội với một thời hạn phục vụ thực tế ngắn và lưu lại dài hạn trong lực lượng hậu bị; họ thậm chí sẽ còn làm nhiều hơn nữa, nếu như điều đó cho phép họ có thể rửa được nhục và khôi phục lại sự toàn vẹn của nước Pháp. Và lúc đó, "các tiểu đoàn lớn" sẽ ở về phía nước Pháp, còn kết quả hoạt động của các tiểu đoàn đó chì cũng sẽ giống như trong cuộc chiến tranh hiện nay nếu như nước Đức không thực hiện cũng hệ thống ấy. Nhưng điều khác nhau sẽ như sau: nếu như hệ thống lan-ve của Phổ là một hệ thống tiến bộ so với hệ thống thường trực của Pháp, vì nó rút ngắn thời hạn phục vụ và tăng thêm số người có khả năng bảo vệ đất nước của mình, thì hệ thống mới, hệ thống nghĩa vụ quân sự phổ thông thật sự, cũng vậy: nó sẽ là một bước tiến so với hệ thống của Phổ. Trong thời gian chiến tranh, các lực lượng vũ trang sẽ tăng lên tới những quy mô còn to lớn hơn nữa, nhưng quân đội thời bình thì sẽ ít hơn; mỗi một công dân của đất nước sẽ phải tự chính mình, chứ không phải thông qua một người thay thế, tham gia vào cuộc đấu tranh vũ trang để giải quyết những vụ xung đột giữa những kẻ cầm quyền; công cuộc phòng thủ sẽ trở nên mạnh hơn, còn việc tấn công thì sẽ trở nên một công việc khó khăn hơn và bản thân việc tăng quân đội cuối cùng sẽ dẫn đến việc giảm bớt các chi phí và sẽ biến thành một đảm bảo cho hòa bình.
[Chương trước] [Mục lục] [Chương tiếp theo]
[1*]. chủ nghĩa sô-vanh