F. Engels
Tình cảnh giai cấp công nhân Anh
CÔNG NHÂN CÔNG XƯỞNG THEO NGHĨA HẸP
Bây giờ hãy nghiên cứu tỉ mỉ các bộ phận quan trọng nhất của giai cấp vô sản
công nghiệp Anh; căn cứ vào nguyên tắc đã nói ở trên, ta phải bắt đầu từ những
công nhân công xưởng, tức là những công nhân mà đạo luật về công xưởng nói tới.
Đạo luật ấy đã qui định thời gian làm việc trong các công xưởng dùng sức nước,
hoặc sức hơi nước, để kéo sợi hoặc dệt len, tơ, bông hoặc lanh; do đó, đạo luật
ấy có hiệu lực đối với các ngành chủ yếu nhất của công nghiệp Anh. Những công
nhân ở các ngành đó tạo thành bộ phận lâu đời nhất, đông đảo nhất, có trí
tuệ và nghị lực nhất của công nhân Anh; do đó,
họ cũng là những công nhân không an phận nhất, và bị giai
cấp tư sản thù ghét nhất. Đứng hàng đầu của
phong trào công nhân chính là họ, nhất là những công nhân bông sợi;
cũng như đứng đầu phong trào chính trị của giai cấp tư sản
chính là các ông chủ của họ, các chủ xưởng,
nhất là những chủ xưởng ở Lancashire.
Trong "Lời mở đầu", ta đã thấy những người làm việc trong các ngành ấy
cũng chính là những người đầu tiên, do sự xuất hiện của máy móc mới, bị tách
khỏi những điều kiện sinh hoạt trước kia như thế nào. Bởi vậy, không có gì
lạ, khi những kỹ thuật mới, được phát minh liên tiếp sau đó, cũng ảnh hưởng tới
họ một cách hết sức sâu sắc và dai dẳng. Lịch sử ngành bông
sợi, do Ure1* và Baines2*
và những tác giả khác viết, trên mỗi trang đều nói đến những cải tiến mỗi ngày
một mới, đại bộ phận những cải tiến ấy cũng đã được áp dụng trong các ngành khác
của công nghiệp dệt. Lao động thủ công hầu hết đã bị máy móc thay thế,
gần như mọi thao tác đều dùng sức nước hoặc sức hơi nước, và mỗi năm lại có những cải
tiến mới hơn.
Dưới một chế độ xã hội được tổ chức hợp lí, thì những cải tiến như thế
phải được hoan nghênh; nhưng khi đang có cuộc chiến tranh kịch liệt của mọi
người chống mọi người, thì một số ít người quơ tất cả lợi ích về cho mình, và
cướp mất tư liệu sinh hoạt của đại đa số. Mỗi cải tiến về máy móc đều cướp mất
mẩu bánh mì của công nhân, cải tiến càng lớn thì công nhân thất nghiệp càng
đông; do đó, mỗi cải tiến đều gây nên cho một số công nhân những hậu quả như một
cuộc khủng hoảng thương nghiệp, tức là thiếu thốn, cùng khổ và phạm tội. Hãy lấy
vài ví dụ. Ngay phát minh đầu tiên là máy Jenny, do một công nhân điều khiển, đã
có thể sản xuất được ít ra là gấp sáu lần một chiếc xa bình thường, cho nên mỗi
máy Jenny mới sẽ làm cho năm người thợ kéo sợi thất nghiệp. Máy sợi con có sức
sản xuất lớn hơn máy Jenny nhiều, và cũng chỉ có một công nhân điều khiển, còn
cướp mất sinh kế của nhiều người hơn. Máy mule, với cùng sản lượng như thế, còn
cần ít công nhân hơn, cũng có tác dụng như vậy; và mỗi lần nó được cải tiến, tức
là mỗi lần số ống sợi tăng thêm, thì lại rút bớt một số công nhân. Thế mà số ống
trên máy mule đã tăng lên rất mạnh, khiến rất nhiều công nhân thất nghiệp: trước
kia mỗi người thợ kéo sợi, cùng với vài đứa trẻ con (lo việc nối sợi) có thể
trông coi 600 ống, nhưng bây giờ một mình người ấy có thể làm việc với hai máy
mule, có tổng cộng từ 1400 đến 2000 ống, thế là hai người thợ kéo sợi lớn tuổi
và một số thợ phụ phải thất nghiệp. Từ khi nhiều xưởng sợi dùng máy sợi tự động,
thì vai trò của người thợ kéo sợi hoàn toàn bị máy móc thay thế. Tôi có trong tay một cuốn
sách, do một thủ lĩnh có uy tín của phái Hiến chương ở Manchester là James Leach
viết3*. Tác giả từng làm
việc nhiều năm trong nhiều ngành công nghiệp, đã ở nhiều công xưởng và mỏ than,
bản thân tôi thì biết ông là người thành thực, đáng tin và thạo việc. Nhờ địa vị
của mình ở trong đảng, ông đã nắm được nhiều tài liệu rất tỉ mỉ về các công
xưởng, những tài liệu do chính công nhân thu thập; ông đã làm một vài thống kê,
qua đó thấy rằng: ở 35 xưởng, năm 1841 đã thuê ít hơn 1083 thợ kéo sợi, so với
năm 1829, dù số ống sợi trong 35 xưởng ấy đã tăng thêm 99.429 cái. Ông nêu ra 5
xưởng không thuê thợ kéo sợi nào, vì ở đấy chỉ dùng máy sợi tự động. Trong khi
số ống tăng 10%, thì số thợ kéo sợi lại giảm hơn 60%. Leach nói thêm, từ 1841,
đã có thêm nhiều cải tiến, như sử dụng ống sợi hàng đôi (doubledecking), v.v.;
kết quả là có vài xưởng, trong 35 xưởng nói trên, đã sa thải một nửa số thợ kéo
sợi; trong một xưởng, cách đây không lâu có 80 thợ kéo sợi, giờ chỉ còn 20;
những người khác, nếu không bị sa thải, thì cũng buộc phải làm công việc của trẻ
con, để ăn lương như trẻ con. Về Stockport, Leach cũng trình bày tình hình như
thế: năm 1835 có 800 thợ kéo sợi, năm 1843 chỉ còn 140, dù công nghiệp ở đó đã
phát triển khá mạnh trong 8-9 năm qua. Về máy chải, gần đây cũng có những cải
tiến, và nó cũng cướp mất sinh kế của nửa số công nhân. Trong một công xưởng đã
đặt máy đấu sợi cải tiến, kết quả là trong 8 em gái có 4 em thất nghiệp, tiền
công của 4 em còn lại cũng bị giảm từ 8 shilling xuống 7 shilling. Tình hình
công nghiệp dệt vải cũng thế. Máy dệt có động cơ dần chiếm đoạt mọi địa bàn của
máy dệt tay, vì so với máy dệt tay thì nó sản xuất nhiều hơn gấp bội, và một
công nhân có thể trông hai máy, thế nên ở đây cũng có nhiều thợ thất nghiệp. Ở
mọi ngành sản xuất công xưởng, ngành kéo sợi lanh và len, ngành chế biến tơ,
tình hình cũng như vậy; máy dệt có động cơ đã bắt đầu chiếm đoạt từng bộ phận
riêng biệt của nghề dệt len và lanh; chỉ riêng vùng Rochdale, trong ngành dệt nỉ
mỏng và các hàng len khác, máy dệt có động cơ được dùng nhiều hơn máy dệt tay.
Về việc này, giai cấp tư sản thường trả lời rằng: khi cải tiến máy móc thì chi
phí sản xuất sẽ giảm, kết quả là giá sản phẩm hạ xuống, mà giá hạ
thì lượng tiêu thụ sẽ tăng, do đó những
công nhân thất nghiệp sẽ mau chóng tìm được việc làm trong những công xưởng mới
xây dựng. Đương nhiên, giai cấp tư sản hoàn toàn đúng ở một điểm: trong
các điều kiện nhất định, có lợi cho sự phát triển nói chung của công
nghiệp, thì mỗi lần hạ giá của một hàng hoá được chế tạo bằng nguyên liệu giá rẻ
đều làm cho lượng tiêu thụ tăng rất nhiều, dẫn đến việc xây dựng những công
xưởng mới; nhưng trừ điểm ấy ra, thì mọi lời của họ đều là nói dối. Họ không để
ý tới việc là phải mất nhiều năm, thì kết quả của sự hạ giá mới thể hiện ra, rồi
mới có những công xưởng mới. Họ im lặng trước thực tế là do các cải tiến về máy
móc, những công việc thực sự nặng nhọc ngày càng được máy làm thay; và lao động
của đàn ông chỉ còn đơn giản là trông coi máy; mà việc đó thì phụ nữ
yếu sức, kể cả trẻ em, cũng hoàn toàn có thể làm, với tiền
công chỉ bằng một nửa hay 1/3; vậy là dù sản xuất có mở rộng, thì công nhân người lớn
vẫn ngày càng bị loại ra khỏi công nghiệp, và càng không tìm ra
việc làm. Họ làm ngơ trước việc vì có máy móc, mà từng ngành lao động nguyên vẹn
đã biến mất, hoặc đã thay đổi quá nhiều, đến nỗi công nhân phải học lại từ đầu;
hơn nữa ở đây, họ cố không nói đến cái lí lẽ, mà chính họ thường đưa ra, mỗi khi
vấn đề cấm lao động của trẻ em được nhắc tới; ấy là để có được kĩ năng
cần thiết, thì phải làm quen với lao động công xưởng
từ nhỏ, tức là từ trước mười tuổi4*.
Giai cấp tư sản cũng không nói tới quá trình phát triển máy móc vẫn đang diễn ra
không ngừng, nên dù công nhân thực có kiếm được việc làm trong ngành lao động
mới; thì sự cải tiến máy móc cũng sẽ thải anh ta ra, và hoàn toàn cướp đi lòng
tin vào ngày mai của anh ta. Nhưng giai cấp tư sản lại thu được toàn bộ lợi ích của việc phát triển máy
móc; vào các năm đầu, khi nhiều
máy cũ vẫn còn được dùng, và những cải tiến
còn chưa được áp dụng rộng rãi, giai cấp
tư sản đã có được cơ hội tốt
nhất để làm giàu; nên sẽ là quá nhiều nếu đòi hỏi họ phải nhìn thấy mặt xấu của sự phát triển ấy.
Máy móc được cải tiến thì tiền công giảm, đó là điểm mà giai cấp tư sản bác bỏ kịch liệt, còn
công nhân thì nhiều lần khẳng định. Giai cấp tư sản khăng khăng
rằng: dù tiền công tính theo sản
phẩm có hạ xuống cùng với cải tiến sản xuất, nhưng tiền công hàng tuần
nói chung vẫn tăng nhiều hơn giảm, và tình cảnh của công nhân đã tốt lên nhiều
hơn xấu đi. Rất khó xem xét vấn đề này tới tận gốc rễ, vì công nhân
thường nhấn mạnh vào những ví dụ về tiền công tính theo sản
phẩm bị hạ; dù vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, trong các ngành lao
động khác nhau, tiền công hàng tuần đã giảm xuống cùng với việc áp dụng máy móc.
Những người gọi là "thợ kéo sợi nhỏ" (kéo sợi nhỏ trên máy mule) đúng là có tiền
công cao, mỗi tuần 30-40 shilling, đó là vì họ có một công đoàn mạnh để chống
việc hạ tiền công, mà lao động của họ cũng cần sự huấn luyện lâu dài. Nhưng
người thợ kéo sợi thô, vì phải cạnh tranh với các máy tự động (các máy này không
kéo được sợi nhỏ), và công đoàn của họ đã bị hạ gục khi các máy ấy được sử dụng,
nên họ phải nhận tiền công rất thấp. Một công nhân kéo sợi loại ấy nói với tôi
rằng, anh ta kiếm được mỗi tuần không quá 14 shilling, điều ấy phù hợp với tài
liệu của Leach nói rằng, ở nhiều công xưởng khác nhau, công nhân kéo sợi thô mỗi
tuần kiếm được không tới 16 shilling rưỡi; một người, cách đây ba năm, mỗi tuần
kiếm được 30 shilling, thì bây giờ vất vả lắm mới kiếm được 12 shilling rưỡi, và
năm ngoái, tiền công bình quân cũng không vượt quá mức đó. Thực ra tiền công của
phụ nữ và trẻ em giảm ít hơn, nhưng đó là vì ngay từ đầu, nó đã không cao rồi.
Tôi biết nhiều phụ nữ góa bụa có con nhỏ, làm việc vất vả mà mỗi tuần chỉ
kiếm được 8-9 shilling; mà khi đã biết giá của những thứ cần nhất cho đời sống ở
Anh, thì phải thừa nhận là số tiền ít ỏi ấy không thể nào đủ nuôi gia đình.
Tất cả công nhân đều nhất trí
xác nhận rằng: tiền công nói chung đã bị hạ thấp cùng với việc cải tiến máy móc. Giai cấp tư sản công nghiệp
nói: nhờ có máy móc mà tình cảnh của giai cấp công nhân đã khá hơn;
nhưng tại mỗi cuộc họp của công nhân ở các khu công xưởng, đều có thể
khẳng định rằng: chính công nhân lại coi đó là lời nói dối trắng trợn nhất.
Nếu đúng là chỉ có tiền lương tương đối, tiền lương tính theo sản
phẩm, là bị giảm; còn tiền lương tuyệt đối, tức là tổng số tiền công mà công
nhân kiếm được mỗi tuần, vẫn không thay đổi, thì điều đó có nghĩa là gì? Nghĩa
là công nhân phải yên lặng nhìn các ngài chủ xưởng nhét đầy túi, hưởng toàn bộ
lợi ích mà những cải tiến đem lại, và không chia cho công nhân tí nào. Giai cấp
tư sản, trong khi đấu tranh với công nhân, đã quên mất cả những nguyên lí cơ bản
nhất của môn Kinh tế Chính trị tư sản. Cái giai cấp ấy, mọi
khi thì sùng bái Malthus, giờ thì lại hoảng hốt kêu lên với công nhân:
"Không có máy móc thì mấy triệu nhân
khẩu thừa của nước Anh sẽ tìm đâu ra việc làm?"5*
Nhảm nhí! Cứ như là giai cấp tư sản không biết rõ rằng, nếu không có máy móc và
sự phồn thịnh công nghiệp do máy móc tạo nên, thì "mấy triệu người" ấy đã không
bao giờ sinh ra và lớn lên! Nếu máy móc có đem lại lợi ích gì đó cho công nhân, thì đó là ở chỗ: nó đã
chứng minh cho công nhân thấy sự cần thiết phải cải tạo xã hội, để
máy móc làm việc không phải gây hại
mà là có lợi cho công nhân. Các ngài tư sản thông thái hãy đi hỏi
những người quét đường ở Manchester hoặc ở bất kì đâu (thật ra bây giờ thì không
kịp nữa, vì việc ấy cũng có máy móc làm rồi), đi hỏi những người bán muối, bán
diêm, bán cam, bán dây giày, v.v. trên phố, và cả những người ăn xin, xem trước
đây họ làm gì; sẽ có nhiều người trả lời rằng: họ là công nhân công xưởng, bị
máy móc làm thất nghiệp. Ở điều kiện xã hội hiện tại, sự cải tiến máy móc chỉ có
thể đẻ ra những hậu quả bất lợi, nhiều khi rất nặng nề, đối với công nhân: mỗi
cái máy mới đều mang lại thất nghiệp, túng thiếu, bần cùng; và ở một nước mà hầu
như khi nào cũng có "nhân khẩu thừa" như nước Anh, thì trong hầu hết các trường
hợp, mất việc làm là điều tệ nhất đối với người lao động. Một cuộc sống không
được đảm bảo, do sự phát triển không ngừng của máy móc gây ra, và nạn thất
nghiệp kèm theo, đã gây chán nản và u uất như thế nào cho công nhân, mà tình
cảnh của họ vốn đã bấp bênh; điều đó không phải nói nữa. Muốn không rơi vào tình
trạng tuyệt vọng, công nhân chỉ có hai con đường: hoặc phản kháng giai cấp tư sản cả
bên trong và bên ngoài, hoặc rượu chè và đồi bại. Công nhân
Anh, có người chọn cái thứ nhất, có người chọn cái thứ hai.
Lịch sử giai cấp vô sản Anh
đã kể lại hàng trăm cuộc nổi loạn, chống lại cả máy móc và giai
cấp tư sản; còn sự suy đồi về đạo đức
thì ta đã nói đến rồi, đó đương nhiên chỉ là một hình thức biểu
hiện đặc biệt của sự tuyệt vọng mà thôi.
Tình cảnh tồi tệ nhất thuộc về những công nhân phải cạnh tranh với máy
móc mới ra đời. Giá của hàng hóa do họ làm ra được tính theo giá của chính hàng
hoá ấy, nhưng là do máy làm ra; vì sản xuất bằng máy rẻ hơn sản xuất bằng tay,
nên các công nhân phải cạnh tranh với máy móc sẽ có lương thấp nhất. Với công
nhân làm việc trên máy cũ, nếu phải cạnh tranh với máy mới hơn, tốt hơn, thì
cũng y như thế. Tất nhiên, còn có ai khác sẽ chịu nỗi khó khăn? Chủ xưởng không
muốn vứt bỏ máy cũ, nhưng cũng không muốn bị thiệt; vì không kiếm được gì từ cái
máy vô tri, nên hắn liền nhằm vào những công nhân đang sống, vật thế mạng của cả
xã hội. Trong số những công nhân phải cạnh tranh với máy móc như thế, những
người thợ dệt thủ công, của ngành công nghiệp bông sợi, là khổ sở nhất. Tiền
lương của họ thấp nhất, mỗi tuần không quá 10 shilling, kể cả khi có đủ việc
làm. Máy dệt có động cơ đã chiếm lĩnh hết ngành dệt này tới ngành dệt khác; mà
ngành dệt thủ công lại là nơi trú ẩn sau cùng của những công nhân mất việc ở các
ngành khác, nên ngành này lúc nào cũng quá thừa người làm. Vì thế, trong lúc
bình thường, một người thợ dệt thủ công kiếm được 6-7 shilling mỗi tuần thì đã
cho là mình may mắn; mà để có số tiền ấy, anh ta phải ngồi bên khung cửi 14-18
giờ mỗi ngày. Đa số hàng dệt còn cần một nơi ẩm thấp, để sợi ít bị đứt khi dệt;
một phần vì thế, và một phần vì công nhân nghèo, không thuê được nhà tốt, nên
sàn của những xưởng dệt thủ công thường không được lát ván hay lát đá. Tôi đã
đến thăm nhiều thợ dệt thủ công, nhà họ nằm trong những sân và phố tệ nhất, đa
số là nhà hầm. Thường thì nửa tá thợ dệt, trong đó một số đã có vợ, cùng ở trong
một cottage; có một đến hai phòng làm việc, và một phòng ngủ lớn cho mọi người.
Họ hầu như chỉ ăn khoai tây, đôi khi có ít cháo yến mạch, rất ít khi có sữa, hầu
như không bao giờ có thịt; họ phần nhiều là người Ireland, hoặc có gốc gác
Ireland. Những thợ dệt thủ công cực khổ ấy, mỗi khi có khủng hoảng, đều gặp nạn
đầu tiên và thoát nạn sau cùng; lại còn bị giai cấp tư sản dùng làm vũ khí, để
chống lại những người công kích chế độ công xưởng! Giai cấp tư sản đắc ý kêu lên:
"Hãy xem các thợ dệt ấy sống nghèo khổ thế nào, còn công nhân công xưởng sống sung sướng thế
nào, rồi lúc đó hãy phê phán chế độ
công xưởng!"6* Cứ như
là tình cảnh tồi tệ của thợ dệt thủ công không phải do chính chế độ
công xưởng và máy móc của nó mà ra, cứ như là bản thân giai cấp tư sản không biết rõ
điều ấy bằng chúng ta! Nhưng việc này có liên quan đến lợi ích của giai cấp tư
sản, vì vậy có nói dối mấy câu, hoặc tỏ ra đạo đức giả một chút, thì cũng
chẳng sao.
Bây giờ hãy xét kĩ hơn việc các công nhân nam ngày càng bị loại bỏ, do
sự sử dụng máy móc. Về kéo sợi cũng như dệt, công việc đứng máy chủ yếu chỉ là
nối sợi đứt, mọi việc khác đều do máy làm; việc nối sợi này không cần sức lực,
nhưng phải rất khéo tay. Với công việc ấy, đàn ông không những không cần thiết,
mà còn không phù hợp bằng phụ nữ và trẻ em, vì bàn tay đàn ông cơ bắp hơn; và
công nhân nam hầu như hoàn toàn bị loại khỏi ngành lao động ấy. Thế là cánh tay
và bắp thịt bị sức nước và sức hơi nước thay thế, và không nhất thiết phải sử
dụng đàn ông nữa; vì phụ nữ và trẻ em không chỉ nhận tiền công thấp hơn, mà như
tôi đã nói, lại còn làm việc ấy tốt hơn đàn ông, nên họ chiếm chỗ của đàn ông.
Với các xưởng sợi dùng máy sợi con, chỉ có phụ nữ và các bé gái làm; tại các
xưởng dùng máy mule, có một người kéo sợi là đàn ông (khi dùng máy sợi tự động
thì người ấy trở thành thừa) và mấy người phụ việc để nối sợi, chủ yếu là phụ nữ
và trẻ em, có khi là nam thanh niên 18-20 tuổi,
thỉnh thoảng là một người thợ kéo sợi cũ đã mất việc7*.
Với máy dệt có động cơ thì đa số là nữ 15-20 và trên 20 tuổi, thỉnh thoảng có
mấy nam thanh niên, nhưng họ rất ít khi được làm việc tiếp sau 21 tuổi. Ở những
xưởng dùng máy kéo sợi thô cũng chỉ thấy nữ, nhiều lắm thì có vài người đàn ông
chuyên lau chùi và chuốt máy chải. Ngoài ra, các công xưởng còn thuê một số trẻ
em (gọi là doffer) để đặt và tháo ống sợi, mấy người đàn ông làm đốc công, một
thợ cơ khí, một thợ máy coi máy hơi nước, thợ mộc, người gác cổng, v.v. Nhưng
công việc chủ yếu là do phụ nữ và trẻ em làm. Các chủ xưởng phủ nhận điều đó,
năm ngoái họ còn công bố một thống kê tỉ mỉ, để chứng minh là máy móc hoàn toàn
không loại bỏ đàn ông. Qua bảng thống kê ấy có thể thấy rõ là, trong số công
nhân công xưởng, phụ nữ chiếm hơn một nửa (52%), đàn ông gần 48%, và có quá nửa
công nhân trên 18 tuổi. Tới chỗ đó thì ổn cả. Nhưng các ngài chủ xưởng rất cẩn
thận, họ không cho ta biết là trong số công nhân trưởng thành có bao nhiêu nam,
bao nhiêu nữ. Đó chính là mấu chốt của vấn đề. Họ còn ngang nhiên ném vào đó cả
thợ máy, kĩ sư, thợ mộc, tất cả đàn ông có ít nhiều liên hệ với công xưởng, thậm
chí cả nhân viên văn phòng, v.v.; nhưng họ không có can đảm để nói lên toàn bộ
sự thật. Những bảng ấy nói chung có đầy những dối trá, xuyên tạc, lừa gạt; những
con số trung bình có thể làm vui lòng những ai không thông thạo, và chẳng nói
lên được điều gì với những người hiểu biết; nó lờ đi các vấn đề quan trọng nhất,
và chỉ chứng minh lòng ích kỉ mù quáng, cùng với sự gian manh, của các chủ xưởng
đã làm ra nó. Ta có thể trích dẫn những tư liệu về tuổi tác và giới tính của
công nhân, qua bài diễn văn của huân tước Ashley, đọc tại Hạ viện,
ngày 15
tháng Ba 1844, để bênh vực cho dự luật về ngày lao động mười giờ; những tư liệu
ấy không bị các tài liệu của chủ xưởng bác bỏ, nhưng cũng chỉ đề cập đến một
phần của công nghiệp công xưởng nước Anh thôi. Trong 419.590 công nhân công
xưởng của Đại Britain (năm 1839), có 192.887 người (gần nửa) dưới 18 tuổi; có
242.296 người là nữ, trong đó có 112.192 người dưới 18 tuổi. Như vậy ta có
80.695 công nhân nam dưới 18 tuổi, còn công nhân nam trưởng thành chỉ có 96.5998 người,
hoặc 23%, tức là không tới 1/4 tổng số công
nhân. Trong những công xưởng dệt bông, nữ công nhân chiếm 56,25%; ở các
xưởng len: 69,5%; với những xưởng lụa: 70,5%; tại các xưởng lanh: 70,5%. Những
con số ấy đã đủ chứng minh cho việc công nhân đàn ông bị gạt bỏ; muốn xác minh
thì chỉ cần ghé vào bất cứ công xưởng nào. Kết quả là trật tự xã hội hiện tồn
tất yếu phải bị đảo lộn; sự đảo lộn ấy, mà công nhân bị buộc phải chịu, đang gây
ra cho họ những hậu quả tai hại nhất. Đầu tiên là việc thuê phụ nữ làm việc đã
hoàn toàn phá hoại gia đình; vì nếu người vợ ở trong xưởng 12-13 giờ mỗi ngày,
và người chồng cũng làm việc ở đó, hay ở nơi khác, trong một thời gian cũng dài
như vậy, thì con cái họ sẽ thế nào? Chúng lớn lên như cỏ dại, không ai săn sóc;
hoặc mỗi tuần bố mẹ bỏ ra 1-1,5 shilling, gửi chúng cho người giữ trẻ, mà những
người này đối xử với chúng ra sao thì cũng dễ hình dung. Vì thế, trong những khu
công xưởng, những tai nạn do thiếu chăm sóc trẻ em đã tăng lên đáng sợ. Theo
tài liệu của viên dự thẩm thành phố
Manchester9* thì trong 9 tháng
có 69 trẻ chết cháy và chết
bỏng, 56 trẻ chết đuối, 23 trẻ chết vì ngã, 77 trẻ chết vì những tai nạn khác,
tất cả là 215 tai nạn chết người10*;
còn ở Liverpool, không phải là thành phố công xưởng, thì trong 12 tháng chỉ có
146 tai nạn chết người. Những tai nạn ở các mỏ than không được tính vào số liệu
thống kê của cả hai thành phố. Và hãy chú ý là viên dự thẩm Manchester không có
trách nhiệm đối với Salford, vì thế dân số của hai khu ấy có thể xem là gần bằng
nhau. Hầu như số nào của tờ "Manchester Guardian" cũng đều đưa tin về một hoặc
mấy tai nạn bỏng chết người. Những sự kiện ấy tự nó đã rõ ràng, và hoàn toàn xác
thực rằng việc người mẹ đi làm là một nguyên nhân làm cho số trẻ tử vong lên
cao. Thường chỉ 3-4 ngày sau khi sinh, phụ nữ đã phải trở lại công xưởng, dĩ
nhiên là phải để con nhỏ ở nhà; lúc nghỉ, họ vội vàng chạy về cho con ăn, bản
thân họ cũng ăn qua loa chút gì đó. Cách cho
ăn thế nào thì cũng dễ đoán ra thôi. Huân tước Ashley thuật lại lời nói của
mấy nữ công nhân:
"M. H. hai mươi tuổi, có hai con, đứa bé còn đang bú,
phải để cho đứa lớn giữ; buổi sáng, mới hơn
năm giờ, chị ấy đã vào xưởng, đến tám giờ
tối mới về; cả ngày, sữa chảy làm ướt cả áo.
H. V. có ba con, năm giờ sáng thứ hai rời khỏi nhà, bảy giờ tối thứ bảy
mới về; về đến nhà là bận con cái, tới ba giờ sáng mới ngủ.
Nhiều khi mưa ướt như chuột lột mà vẫn phải làm việc trong tình
trạng như thế. Chị ấy nói: 'Vú tôi đau đến chết được, sữa chảy ra làm ướt
cả người' ".
Cái chế độ tai tiếng ấy chỉ thúc đẩy người ta dùng ma túy để bắt trẻ con nằm
yên, và thực tế là cách ấy rất phổ biến ở các khu công xưởng. Theo ý kiến của
bác sĩ Johns, phụ trách đăng ký hộ tịch của khu Manchester, thì thói quen ấy là
nguyên nhân chủ yếu của những trường hợp chết người vì chứng co giật, vốn khá
thường gặp. Công việc của phụ nữ ở công xưởng không tránh khỏi làm tan rã gia
đình; trong xã hội hiện tại, lấy gia đình làm cơ sở, thì sự tan rã ấy, với vợ
chồng cũng như con cái, đều gây nên những hậu quả tồi tệ nhất, xét về đạo đức.
Người mẹ mà không có thì giờ chăm sóc con, không thể cho đứa con được hưởng sự
âu yếm bình thường nhất trong mấy năm đầu, lại rất ít khi nhìn thấy con, thì đối
với đứa trẻ, đó không phải là người mẹ thực sự;
người mẹ ấy tất yếu sẽ đối xử
với con rất dửng dưng, thiếu tình thương, không chăm sóc, coi con như người lạ.
Những đứa trẻ lớn lên trong những điều kiện đó, sau này sẽ hoàn toàn không biết
đến đời sống gia đình; khi ở trong gia đình do chính chúng xây dựng, chúng cũng
không cảm thấy hương vị gia đình, vì chúng đã quá quen với cuộc sống cô độc,
điều đó tất nhiên sẽ làm cho gia đình công nhân càng bị phá hoại. Trẻ con đi làm
cũng là một nguyên nhân làm tan rã gia đình. Khi chúng kiếm được nhiều tiền hơn
so với chi phí mà cha mẹ bỏ ra để nuôi chúng, thì chúng bắt đầu trả cho cha mẹ
khoản chi phí ấy, còn lại thì chúng tự giữ lấy mà tiêu. Việc ấy thường xảy ra khi chúng
14-15 tuổi (Power: báo cáo về Leeds, một vài chỗ trong báo cáo ấy; Tufnell: báo cáo về Manchester,
tr. 17 và các trang khác trong "Báo cáo của tiểu ban điều tra về lao động cô
ng xưởng"). Nói tóm
lại, trẻ con dần tự lập, coi nhà cha mẹ như quán trọ, nếu không vừa ý với quán
ấy thì chúng thường bỏ đi tìm quán khác.
Nhiều khi, việc phụ nữ đi làm ở công xưởng không hoàn toàn phá hoại gia
đình, nhưng làm cho nó đảo ngược. Vợ kiếm tiền nuôi gia đình, chồng ở nhà trông
con, quét dọn, nấu nướng. Chuyện đó rất phổ biến, riêng Manchester đã có thể có
mấy trăm ông chồng nội trợ như vậy. Có thể dễ dàng tưởng tượng sự phẫn nộ chính
đáng của công nhân, trước tình trạng là tất cả quan hệ gia đình đã đảo ngược,
trong khi mọi quan hệ xã hội khác vẫn y nguyên. Ngay trước mắt tôi là bức thư
của một công nhân. Đó là Robert Pounder, ở Baron's Building, Woodhouse,
Moorside, thành phố Leeds (để giai cấp tư sản có thể đến tìm anh ta, tôi đưa ra
địa chỉ cụ thể), viết cho Oastler. Chưa chắc tôi
diễn đạt được một nửa tính chất phác của bức thư ấy khi dịch; nếu gặp những lỗi
chính tả còn có thể tìm cách sửa, còn những đặc điểm của
thổ ngữ Yorkshire thì hoàn toàn mất đi. Trong bức thư ấy, anh kể về một công nhân
khác mà anh quen đang đi tìm việc, rồi gặp một người bạn cũ ở St. Helens,
thuộc Lancashire:
"Thưa ông, chính ở đó anh ta đã tìm được hắn, và khi
anh ta đến gần túp lều của hắn, ông nghĩ xem anh ta thấy gì? Một căn nhà hầm ẩm
thấp, đồ đạc chỉ có hai cái ghế cũ, một cái bàn tròn ba chân, một cái hòm, không
có giường, chỉ có một đống rơm cũ ở góc tường, với hai cái khăn trải bẩn thỉu và
hai khúc gỗ ở cạnh lò sưởi. Khi người bạn đáng thương của tôi bước vào, chàng
Jack nghèo khổ đang ngồi trên khúc gỗ cạnh lò sưởi, ông nghĩ xem hắn đang làm
gì? Hắn đang dùng kim khâu để vá tất cho vợ, vừa trông thấy bạn cũ ở cửa, hắn
liền muốn giấu đi, nhưng Joe (tên người bạn tôi) đã nhìn thấy hết và nói: "Jack,
cậu làm cái quái gì đấy? Vợ cậu đâu? Sao cậu phải làm việc đó?". Chàng Jack đáng
thương rất ngượng, nói: "Tớ biết đó không phải việc của mình, nhưng cô vợ tội
nghiệp của tớ thì ở công xưởng, năm rưỡi sáng đã phải đến đó làm đến tám giờ
tối, về đến nhà thì mệt đến nỗi không làm gì được. Thế nên giúp vợ được việc gì
là tớ làm thôi. Tớ thì thất nghiệp đã hơn ba năm rồi, mà cả đời này tớ cũng
không tìm được việc làm nữa". Đến đây hắn khóc nức nở và nói: "Đúng thế đấy Joe
ạ, ở đây phụ nữ và trẻ con có đầy việc. Nhưng không có việc cho đàn ông. Tìm
được việc làm còn khó hơn nhặt được 100 Bảng ở ngoài phố.
Nhưng tớ không ngờ rằng cậu hoặc ai khác có thể nhìn thấy
tớ đang vá tất cho vợ, vì đó đúng là việc tồi tệ. Nhưng vợ tớ hầu như đứng
còn không vững, tớ sợ là vợ mình ốm, thì không biết chúng tớ sẽ ra
sao, vì lâu nay vợ tớ đã trở thành đàn ông trong nhà, còn tớ thì
thành đàn bà. Joe ạ, công việc này chẳng tốt đẹp gì". Rồi hắn lại khóc rất thương
tâm và nói tiếp: "Trước kia có bao giờ như thế này đâu". Joe hỏi:
"Nhưng Jack này, lâu nay không có việc làm thì cậu sống thế nào
được?"
Jack trả lời: "Joe ạ, cũng gọi là sống tạm được nhưng mà khá vất vả. Cậu
biết đấy, hồi mới lấy vợ thì tớ có đủ việc làm; mà cậu cũng biết, trước nay tớ
đâu có lười biếng". - "Đúng, cậu không lười biếng". - "Nhà tớ lúc ấy còn nhiều
đồ tốt, Mary cũng không phải đi làm, mình tớ kiếm được đủ cho cả hai. Nhưng giờ
thì tất cả đều đảo ngược hết: Mary phải đi làm, tớ ở nhà trông con, quét dọn,
giặt giũ, nấu ăn, khâu vá. Tội nghiệp vợ tớ, tối về đến nhà là mệt lả,
không làm nổi việc gì. Cậu biết đấy Joe ạ, đối với một người không sống quen thế thì thật là khó
chịu". - "Đúng, thật không dễ dàng". Và Jack lại
khóc, hắn ước gì mình không lấy vợ hoặc không sinh ra trên đời,
nhưng khi lấy Mary thì hắn có bao giờ nghĩ là sẽ thế này
đâu. Jack nói: "Tớ đã khóc không biết bao nhiêu lần về chuyện này". Thưa
ông, sau đó Joe nói với tôi: khi nghe thấy thế, anh ta liền dùng mọi
câu chửi mà mình học được trong công xưởng từ hồi nhỏ, để chửi các công
xưởng, chủ xưởng và chính phủ".
Có thể nào tưởng tượng ra cái gì điên rồ và phi lí hơn cái tình trạng được mô tả
trong bức thư ấy? Cái tình trạng làm cho đàn ông không còn là đàn ông, phụ nữ
mất hết nữ tính, nhưng lại không thể làm cho đàn ông có nữ tính thực sự, hay phụ
nữ có nam tính thực sự, cái tình trạng làm ô nhục cả hai giới, cũng như nhân
cách của mỗi giới, theo kiểu bỉ ổi nhất; nhưng đó lại là hậu quả cuối cùng của
nền văn minh đang rất được ca tụng của chúng ta, là kết quả cuối cùng của mọi nỗ
lực của mấy trăm thế hệ, để cải thiện tình cảnh của mình và của con cháu mình!
Khi thấy những khó nhọc và cố gắng của con người cuối cùng đều trở thành trò
cười, thì ta hoặc là phải tuyệt vọng đối với chính nhân loại, cũng như đối với
mục tiêu và kết cục của nhân loại; hoặc là phải thừa nhận rằng: từ trước tới
nay, loài người đã lạc lối khi đi tìm hạnh phúc. Ta phải thừa nhận rằng: quan hệ
giữa hai giới hoàn toàn đảo lộn như vậy, chỉ có thể là vì ngay từ đầu, những
quan hệ ấy đã được dựng lên trên cơ sở sai lầm. Nếu việc nữ thống trị nam, do
chế độ công xưởng tất yếu tạo ra, là vô nhân đạo; thì việc nam thống trị nữ xưa
kia cũng phải là vô nhân đạo. Nếu phụ nữ ngày nay, cũng như nam giới ngày xưa,
có thể xây dựng sự thống trị của mình, trên cơ sở là họ làm ra phần lớn hoặc
toàn bộ tài sản chung của gia đình; thì sự công hữu tài sản ấy không phải là
chân chính và hợp lí, vì một thành viên của gia đình có thể lên mặt, do đã đóng góp phần lớn hơn. Nếu
gia đình trong xã hội ngày nay đang ngày càng suy sụp, thì điều đó chỉ chứng
minh rằng: sợi dây gắn bó gia đình không phải là tình yêu,
mà là lợi ích riêng, ẩn dưới tấm áo công hữu tài sản11*.
Khi con cái không chỉ trả tiền ăn cho cha mẹ, như trên đã nói, mà còn phải nuôi
cha mẹ thất nghiệp của chúng, thì cũng xuất hiện những quan hệ y như vậy. Trong
"Báo cáo về lao động công xưởng", bác sĩ Hawkins chứng thực rằng loại quan hệ ấy
rất thường gặp, mà ở Manchester thì điều ấy ai cũng biết. Trong những trường hợp
khác, người đàn bà là chủ; còn trong trường hợp này, con gái chính là chủ. Huân
tước Ashley trong diễn văn của mình (tại Hạ viện ngày 15 tháng Ba 1844) đã
đưa ra một ví dụ như thế: một người mắng hai cô con gái của mình vì đã vào tiệm
rượu, thì hai cô nói rằng mình đã chán ngấy việc phải phục tùng rồi: "Thưa ông, ông cút đi cho rảnh, chúng
tôi còn phải nuôi ông nữa kia"; cho rằng mình đáng được hưởng chút gì đó từ kết quả lao động của
mình, hai cô liền bỏ nhà ra đi, để mặc bố mẹ cho số phận.
Các thiếu nữ lớn lên trong công xưởng cũng không khá hơn phụ nữ đã có
chồng. Một người con gái làm việc ở công xưởng từ năm chín tuổi thì tất nhiên
không thạo việc nhà, thế nên tất cả nữ công nhân công xưởng đều hoàn
toàn không có kinh nghiệm và không biết quản lí nội trợ. Họ không biết may vá, không biết
đan, không biết làm bếp, không biết giặt giũ; cả những việc gia đình
bình thường nhất, họ cũng không biết, còn việc chăm sóc trẻ em thì
họ càng không biết. "Báo cáo của Tiểu ban điều tra về lao động công
xưởng" đã nêu ra hàng tá ví dụ để chứng minh việc ấy; còn tác giả bản báo
cáo về Lancashire, là bác sĩ Hawkins, thì
phát biểu ý kiến như sau ("Báo cáo", tr. 4):
"Các thiếu nữ kết hôn rất sớm mà không suy tính gì. Họ
không có khả năng, không có thì giờ, cũng không có dịp để tìm hiểu những trách
nhiệm thông thường nhất của người nội trợ; mà dù họ có biết đi nữa, thì sau khi
lấy chồng, họ cũng không có thì giờ để thực hiện những trách nhiệm ấy. Người mẹ
không nhìn thấy mặt con suốt mười hai tiếng mỗi ngày, người trông nom đứa trẻ là
một cô bé hoặc một bà già được người mẹ bỏ tiền ra
thuê, trách nhiệm của họ cũng chỉ tương ứng với tiền công. Ngoài ra, nhà ở của
công nhân công xưởng thường không phải cái được gọi là nhà (home),
mà là một gian hầm, không có dụng cụ bếp núc, giặt
giũ, may vá; không có gì tiện nghi và văn minh, không có gì
làm cho đời sống gia đình hấp dẫn. Vì thế, và vì những nguyên nhân khác, đặc
biệt là để bảo toàn sinh mạng và sức khoẻ cho trẻ em; tôi chỉ có thể hết sức mong
muốn và hi vọng rằng, sẽ đến lúc phụ nữ có chồng bị cấm làm việc ở công xưởng".
Về những ví dụ và lời làm chứng riêng
biệt; hãy xem "Báo cáo của Tiểu ban điều tra về lao động công xưởng",
Cowell, Văn kiện, tr. 37, 38, 39, 72, 77, 50; Tufnell, Văn kiện,
tr. 9, 15, 45, 54, và các trang khác.
Nhưng không chỉ có thế. Những hậu quả về đạo đức của việc phụ nữ đi làm
ở công xưởng còn tồi tệ hơn nhiều. Sự tập trung đông người trong một xưởng,
không phân biệt trai gái già trẻ, và không tránh khỏi việc gần gũi nhau; sự
chồng chất nhiều người, vốn không được giáo dục về trí tuệ và đạo đức, trong một
chỗ chật hẹp; những cái ấy không thể có tác dụng tốt tới sự phát triển của nữ
tính. Chủ xưởng, dù có chú ý đến việc ấy, cũng chỉ can thiệp khi có vụ việc tai
tiếng nào đó; còn ảnh hưởng thường xuyên, không rõ rệt của những người phóng
đãng hơn đối với những người đạo đức hơn, nhất là những người trẻ; thì chủ xưởng
không thể biết rõ, do đó cũng không thể đề phòng. Chính những ảnh hưởng ấy mới
là tai hại nhất. Nhiều nhân chứng của Tiểu ban về công xưởng năm 1833 đều nói:
thứ ngôn ngữ được dùng trong công xưởng thường là "tục tằn", "thiếu lịch sự",
"bỉ ổi", v.v. (Cowell, Văn kiện, tr. 35, 37 và nhiều trang khác). Những sự việc
mà ta thấy trên qui mô lớn trong những thành phố lớn, cũng tồn tại ở đây trên
qui mô nhỏ. Sự tập trung nhân khẩu luôn có những hậu quả như nhau đối với người
ta, dù là trong một thành phố lớn hay một công xưởng nhỏ. Công xưởng càng
nhỏ thì càng dễ gần gũi nhau, càng khó tránh sự tiếp xúc, và hậu quả thì không
thiếu. Một nhân chứng ở Leicester nói: ông thà cho con gái đi ăn mày chứ
không cho nó vào công xưởng, vì đó thực sự là cửa địa ngục, và đại đa số gái
điếm trong thành phố đều do công xưởng tạo ra (Power, Văn kiện, tr. 8). Một
nhân chứng khác ở Manchester "không chút do dự khẳng định rằng 3/4 nữ công nhân 14-20
tuổi đã không còn trinh tiết" (Cowell, Văn kiện, tr. 57). Ủy viên tiểu ban Cowell
nhận định chung là: đạo đức của công nhân
công xưởng còn thấp hơn so với
đạo đức trung bình của giai cấp công nhân
(tr. 82), và bác sĩ Hawkins thì nói ("Báo cáo", tr. 4):
"Khó có thể đánh giá đạo đức chỉ bằng những con số,
nhưng nếu tin vào sự quan sát của chính tôi, vào ý kiến chung của những người đã
nói chuyện với tôi, cũng như vào ấn tượng chung của toàn bộ bằng chứng mà tôi
thu được; thì ảnh hưởng của đời sống
công xưởng đối với đạo đức của nữ thanh niên làm cho người ta hết sức chán
nản".
Ai cũng hiểu là: chế độ nô lệ
công xưởng, nếu không hơn thì cũng bằng với bất kì chế độ nô lệ nào khác, đã trao
cho người chủ cái jus primae noctis12.
Về mặt này thì chủ xưởng cũng sở hữu luôn thân thể và sắc đẹp của công nhân. Chỉ
cần dọa đuổi là đủ để đập tan sự phản kháng của các cô gái, nếu không phải 99%
thì cũng 90%; vả lại, bản thân các cô cũng không quí trọng trinh tiết cho lắm.
Nếu chủ xưởng đủ thô tục (báo cáo của tiểu ban đã kể lại nhiều trường hợp như
vậy), thì công xưởng đồng thời cũng là khuê phòng của hắn; mà dù không phải mọi
chủ xưởng đều lợi dụng quyền ấy, thì về bản chất, tình hình của nữ công
nhân vẫn không có gì thay đổi. Ở buổi đầu của công nghiệp công xưởng,
khi đại đa số chủ xưởng đều là
những kẻ mới phất, vô giáo dục, không đếm xỉa gì đến tập tục giả nhân giả nghĩa của
xã hội, thì chúng cứ thản nhiên lợi dụng cái quyền "đương nhiên" của mình.
Để đánh giá đúng những hậu quả của lao động công xưởng đối với thể lực
của phụ nữ, thì đầu tiên phải xem xét lao động của trẻ em, cũng như các hình
thức khác nhau của lao động. Từ khi mới có công nghiệp hiện đại, công xưởng đã
thuê trẻ em làm việc, lúc đầu do máy móc nhỏ (về sau máy đã to hơn), nên người
làm việc ở máy hầu như toàn là trẻ em; chúng được lấy với số lượng lớn, chủ yếu
từ các nhà tế bần, và được các chủ xưởng thuê làm "thợ học việc" trong nhiều
năm. Chúng ăn ở và mặc đều như nhau, dĩ nhiên là hoàn toàn trở thành nô lệ của
chủ, bị đối xử hết sức tàn bạo và dã man. Ngay từ năm 1796, bác sĩ Percival và
Sir Robert Peel (chủ xưởng dệt vải bông, cha của Thủ tướng đương nhiệm) đã nói
lên lòng phẫn nộ của dư luận đối với cái chế độ ghê tởm ấy một cách kịch liệt;
đến nỗi Nghị viện phải thông qua một đạo luật về thợ học việc vào năm 1802, chấm
dứt những tội ác trắng trợn nhất. Dần dần, sự cạnh tranh của những công nhân tự
do đã loại bỏ chế độ học việc, các công xưởng được xây dựng ngày càng nhiều ở
các thành phố, máy móc đã to lên, chỗ làm việc đã thoáng khí và sạch sẽ hơn.
Đồng thời công việc của người lớn và thanh niên cũng nhiều lên, do đó số trẻ em
làm việc trong công xưởng đã phần nào giảm đi, và độ tuổi bắt đầu đi làm của
chúng cũng cao hơn một chút. Ngày nay người ta rất ít thuê trẻ em 8-9 tuổi trở
xuống. Về sau, như ta sẽ thấy, cơ quan lập pháp đã nhiều lần đứng ra bảo vệ trẻ em, chống
lại lòng tham của giai cấp tư sản.
Tỉ lệ chết cao trong con cái công nhân, đặc biệt là với công nhân công
xưởng, đủ để chứng minh rằng: chúng đã phải sống những năm đầu đời trong tình
cảnh rất có hại cho sức khỏe. Những điều kiện ấy, tất nhiên, cũng ảnh hưởng tới
những trẻ còn sống, có điều là không mạnh như với những đứa đã chết. Với những
trường hợp tốt nhất, chúng cũng làm cho cơ thể dễ nhiễm bệnh, hoặc làm chậm sự
phát triển, vì thế sức khỏe kém hơn bình thường. Một đứa trẻ chín tuổi, con công
nhân công xưởng, lớn lên trong cảnh nghèo khổ, thiếu thốn mọi thứ, sống dưới
điều kiện ẩm thấp và rét mướt, luôn mặc không đủ ấm và nhà ở lại tồi tệ, thì nó
còn lâu mới có thể làm việc như một đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh tốt hơn. Lên
chín tuổi nó phải vào công xưởng, mỗi ngày làm việc 6 giờ rưỡi (trước kia là 8
giờ, trước nữa là 12-14 giờ, thậm chí 16 giờ) tới mười ba tuổi, từ đó tới mười
tám tuổi thì phải làm 12 giờ mỗi ngày. Những tác nhân làm suy yếu cơ thể vẫn còn
đó, mà công việc thì ngày càng nhiều. Cứ cho là một đứa trẻ chín tuổi, kể cả là
con công nhân, có thể cố làm việc mỗi ngày 6 giờ rưỡi, với công việc không gây
tổn hại trông thấy được đối với sự phát triển của nó;
nhưng ở trong bầu không khí ngột ngạt, ẩm thấp, lại thường oi bức của công
xưởng, thì dù thế nào cũng không thể không có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Trong
bất kì hoàn cảnh nào, cũng không thể dung thứ cho việc đem thì giờ, đáng lẽ chỉ
dùng để bồi dưỡng thể lực và tinh thần cho trẻ, để hi sinh cho lòng tham của
giai cấp tư sản nhẫn tâm; không thể dung thứ cho việc cướp đi trường học và bầu
không khí trong lành của trẻ, để các ngài chủ xưởng bòn rút chúng lấy lợi nhuận.
Nhưng giai cấp tư sản sẽ nói: nếu chúng tôi không thuê trẻ em làm việc trong các
công xưởng, thì chúng vẫn phải sống dưới những điều kiện bất lợi cho sự phát
triển của mình. Đúng là thế, nhưng nghĩ kĩ một chút, thì điều ấy nghĩa là gì?
Như thế nghĩa là: đầu tiên, giai cấp tư sản đặt con cái công nhân vào các điều
kiện tồi tệ; sau đó, họ lợi dụng các điều kiện ấy để kiếm lợi cho mình! Để tự
bào chữa, họ viện tới những điều, mà cũng hệt như chế độ công xưởng, đó đều là
do chính họ gây ra; họ dùng cái tội mà mình đã mắc ngày hôm qua, để bào chữa cho
cái tội khác mà mình đang mắc ngày hôm nay. Nếu không bị đạo luật về công xưởng
trói buộc phần nào, thì các nhà tư bản "hảo tâm", "nhân từ" ấy, dựng lên công
xưởng chỉ vì phúc lợi của công nhân, sẽ bảo vệ lợi ích của công nhân như thế
nào! Hãy xem các chủ xưởng đã làm những gì, trước khi họ bị các viên thanh tra
công xưởng sờ gáy. Hãy luận tội họ bằng các chứng cớ được chính họ thừa nhận: Báo cáo của Tiểu
ban về công xưởng năm 1833.
Báo cáo của Ủy ban Trung ương nói rằng trẻ em bắt đầu làm ở công xưởng
thỉnh thoảng từ năm tuổi, nhiều khi từ sáu tuổi, rất thường gặp từ bảy tuổi, đại
bộ phận từ 8-9 tuổi; thời gian lao động thường từ 14-16 giờ một ngày (không kể
giờ nghỉ ăn uống); chủ xưởng cho phép bọn quản lí đánh đập và ngược đãi trẻ,
chính chúng cũng thường tự tay làm việc đó. Một trường hợp được thuật lại như
sau: một chủ xưởng người Scotland cưỡi ngựa đuổi theo một công nhân mười sáu
tuổi bỏ trốn, hắn bắt em quay lại và chạy trước ngựa, rồi dùng roi da dài vụt em
lia lịa! (Stuart, Văn kiện, tr. 35). Ở các thành phố lớn, nơi công nhân phản
kháng mạnh, những trường hợp như thế tất nhiên ít xảy ra hơn. Nhưng ngày lao
động dài như vậy vẫn không thỏa mãn lòng tham của bọn tư bản. Mục đích của chúng
là dùng mọi biện pháp để làm cho số vốn tiêu vào nhà cửa và máy móc đẻ ra được
nhiều lợi nhuận, càng nhiều càng tốt. Vì thế, chủ xưởng thực hiện chế độ lao
động ban đêm tàn khốc. Một số thì sử dụng chế độ hai ca, số người của mỗi ca đủ
để đảm bảo công việc của cả công xưởng; một ca làm mười hai giờ ban ngày, ca kia
làm mười hai giờ ban đêm. Không khó hình dung những hậu quả đối với sức khỏe,
không chỉ của trẻ em và thiếu niên, mà còn của người lớn; khi giấc ngủ ban đêm
bị lấy đi, và không bù lại được, dù có ngủ bao nhiêu vào ban ngày. Kết quả tất
yếu là toàn bộ hệ thần kinh bị kích thích quá sức, rồi suy nhược cơ thể; tệ say
rượu và tình dục phóng đãng thì lan tràn. Một chủ xưởng chứng thực: trong hai
năm thực hiện chế độ làm đêm ở xưởng của hắn, số con ngoài giá thú tăng gấp đôi,
và sự suy đồi đạo đức thì phổ biến, đến nỗi hắn buộc phải đình chỉ việc làm đêm
(Tufnell, Văn kiện, tr. 91). Nhiều chủ xưởng khác dã man hơn: họ bắt công nhân
làm 30-40 giờ liền, mỗi tuần mấy lần
như vậy; đó là vì họ không có công nhân để thay ca hoàn toàn, ở đây, việc thay
ca chỉ là thay thế một phần công nhân, để họ được ngủ vài giờ. Báo cáo của ủy
ban về hành vi dã man ấy, và những hậu quả của nó, đã vượt quá cả những gì tôi
từng biết. Những điều ghê gớm được thuật lại ở đây không thể tìm thấy ở bất kì
đâu khác, nhưng như ta sẽ thấy, giai cấp tư sản vẫn luôn đưa những bằng chứng
của ủy ban ra để lí giải theo kiểu có
lợi cho họ. Những hậu quả của chế độ ấy biểu hiện rất nhanh: các
báo cáo viên kể rằng họ gặp nhiều người bị dị tật, mà chắc chắn chỉ là do thời
gian lao động quá dài. Thường gặp nhất là việc cột sống và hai chân bị vẹo.
Francis Sharp (hội viên Hội phẫu thuật hoàng gia) ở Leeds mô tả như
sau:
"Trước khi đến Leeds, tôi chưa bao giờ thấy đoạn dưới
của xương đùi bị vẹo một cách kì quái như vậy. Đầu tiên tôi nghĩ đó là bệnh còi
xương, nhưng với phần lớn các trường hợp được đăng kí ở bệnh viện, thì bệnh này
xuất hiện vào lứa tuổi (8-14 tuổi) mà trẻ em thường không còn bị còi xương nữa,
mà chỉ sau khi vào làm ở công xưởng thì chúng mới bắt đầu bị bệnh ấy; và tôi
nhanh chóng thay đổi ý kiến. Đến nay, tôi đã thấy gần một trăm trường hợp như
thế, và tôi có thể nói rất chắc chắn rằng đó là do lao động quá độ; theo tôi
biết thì tất cả bệnh nhân đều là trẻ em làm việc ở công xưởng, chính chúng cũng
cho rằng mình mắc bệnh là do nguyên nhân nói trên... Những trường hợp vẹo cột
sống, mà hiển nhiên là do phải đứng quá lâu, cũng không dưới ba trăm" (bác
sĩ Loudon, Văn kiện, tr. 12, 13).
Bác sĩ Hey ở Leeds, một thầy thuốc nội khoa làm việc 18 năm ở bệnh viện, cũng
chứng thực như vậy:
"Vẹo cột sống là tật rất thường gặp ở công nhân công
xưởng; trong một số trường hợp, đó chỉ là hậu quả của lao động quá sức; trong
một số trường hợp khác, đó lại là kết quả của lao động kéo dài đối với một cơ
thể bẩm sinh yếu ớt, hoặc vì bồi bổ kém nên suy nhược... Những dị tật các loại
có vẻ thường gặp hơn tật vẹo cột sống: đầu gối cong lõm vào trong,
dây chằng thường yếu và nhão, xương dài của chân bị cong; đặc biệt là đầu của các
xương ấy bị vẹo và to ra, những bệnh nhân này đều đến từ những công
xưởng có ngày lao động quá dài" (bác sĩ Loudon, Văn kiện, tr. 16).
Các bác sĩ phẫu thuật Beaumont và Sharp khi nói đến Bradford cũng xác nhận điểm
ấy. Trong báo cáo của các ủy viên Drinkwater, Power và bác sĩ Loudon cũng có
nhiều ví dụ về dị tật này; Tufnell và bác sĩ Sir David Barry, những người không
chú ý lắm đến hiện tượng ấy, cũng đưa ra những ví dụ cá biệt trong báo cáo của
họ (Drinkwater, Văn kiện, ví dụ về hai anh em ở tr. 69, ví dụ về hai anh em ở
các tr. 72, 80, 146, 148, 150, tr. 155 và nhiều trang khác; Power, Văn kiện, hai
ví dụ ở các tr. 63, 66, 67, ba ví dụ ở tr. 68, hai ví dụ ở tr. 69; trong báo cáo
về Leeds tr. 29, 31, 40, 43, 53 và các trang sau; bác sĩ Loudon, Văn kiện, bốn
ví dụ ở tr. 4, 7, ở tr. 8 còn nhiều hơn, v.v.; bác sĩ Barry, Văn kiện, tr. 6, 8,
13, 21, 22, 44, ba ví dụ ở tr. 55, v.v.; Tufnell, tr. 5, 16 và các trang khác).
Những ủy viên điều tra về Lancashire: Cowell, Tufnell và bác sĩ Hawkins, đã gần
như hoàn toàn bỏ qua những hậu quả về sinh lí của chế độ công xưởng, dù về số
người tàn tật thì Lancashire nhất định có thể bằng với Yorkshire. Hiếm khi tôi
đi qua Manchester mà không gặp 3, 4 người tàn tật, cột sống và chân cong vẹo,
hệt như trên kia đã nói; và không chỉ nhìn thoáng qua, tôi còn có thể quan sát
họ kĩ càng. Tôi còn quen một người tàn tật, tình hình của anh ta hoàn toàn phù
hợp với mô tả của bác sĩ Hey; anh ta bị bệnh ở công xưởng của ông Douglas ở
Pendleton, xưởng ấy từng có tiếng xấu trong công nhân vì lao động quá mức, gần
đây nó còn tiếp tục hoạt động thâu đêm. Nhìn những người ấy là đoán được ngay
nguyên nhân khiến họ mang tật, tất cả đều biểu hiện giống nhau: đầu gối lõm vào
và vặn về phía sau một ít, hai chân vòng kiềng, các khớp xương dị dạng và to ra,
cột sống thường cong về phía trước hoặc vẹo sang một bên. Nhưng ghê rợn nhất có
lẽ là những chủ xưởng dệt lụa nhân từ ở Macclesfield, vì trong các xưởng của họ
có những trẻ rất nhỏ làm việc, em nhỏ nhất chỉ mới 5, 6 tuổi. Trong tài liệu bổ
sung của ủy viên Tufnell, ta thấy lời chứng của một đốc công tên là Wright (tr.
26); hai chị em gái của y đều vì làm việc mà thành tàn tật đến mức đáng sợ; một
lần y đã đếm số người tàn tật trên nhiều phố ở Macclesfield, kể cả mấy phố xây
dựng tốt nhất. Y đã thấy 10 người ở phố Townley, 5 ở phố George, 4 ở phố
Charlotte, 15 ở Watercots, 3 ở Bank Top, 7 ở phố Lord, 12 ở Mill Lane, 2 ở phố
Great George, 2 ở trong nhà tế bần, 1 ở Park Green, 2 ở phố Peckford. Thân nhân
của những người tàn tật nhất trí nói rằng tật ấy là hậu quả của lao động quá mức
trong các công xưởng lụa. Ở tr. 27 có nói đến trường hợp một
em trai tàn tật đến nỗi không leo được cầu thang, và còn
mấy em gái bị cong vẹo cột sống và đùi.
Lao động quá mức còn gây nên nhiều tật khác, đặc biệt là tật bàn chân
bẹt, mà Sir D. Barry (ở tr. 21, ông đã nêu ra hai trường hợp) và những thầy
thuốc nội ngoại khoa ở Leeds cho là rất thường thấy (Loudon, tr. 13, 16, v.v.).
Với những trường hợp cơ thể khỏe hơn, được bồi bổ tốt hơn, và nhờ những điều
kiện khác, mà các công nhân trẻ chịu đựng được những hậu quả của sự bóc lột dã
man ấy; thì ít ra ta vẫn thấy họ bị đau lưng, đau hông, đau chân, sưng khớp,
giãn tĩnh mạch, lở loét lớn không lành được ở đùi và bắp chân. Những bệnh ấy hầu
như phổ biến
trong công nhân. Stuart, Mackintosh và Sir D. Barry đã nêu ra mấy trăm ví dụ
trong các báo cáo của mình, thậm chí hầu như họ chưa thấy một công nhân nào
không bị một trong những bệnh ấy; trong những báo cáo khác, nhiều
thầy thuốc cũng đã xác nhận rằng có xảy ra những hậu quả ấy. Vô số ví dụ trong
các báo cáo về Scotland đã nói lên một cách không nghi ngờ gì nữa, rằng việc phải làm 13 giờ mỗi ngày ít ra
cũng gây nên những hậu quả như thế, cả
với những công nhân 18-22 tuổi, nam cũng như nữ; trong những xưởng lanh ở Dundee
và Dunfermline, và trong những xưởng bông tại Glasgow và Lanark đều như thế.
Tất cả những bệnh tật ấy đều là do chính bản chất của lao động công
xưởng, loại lao động mà theo các chủ xưởng là rất "nhẹ nhàng", nhưng chính cái "nhẹ
nhàng" đó làm suy nhược cơ thể hơn bất kì loại lao động nào khác. Công nhân không phải làm
việc nặng, nhưng lúc nào họ cũng phải đứng,
không có quyền ngồi. Ai ngồi trên bệ cửa sổ hoặc trên cái giỏ thì sẽ bị phạt;
đứng lâu như vậy thì phần trên của cơ thể sẽ luôn đè xuống cột sống, xương chậu
và chân, do đó nhất định phải gây ra những hậu quả nói trên. Bản thân công việc
thì không đòi hỏi phải đứng liên tục, như ở Nottingham, ít ra người ta cũng bố
trí ghế ngồi ở các gian đấu sợi, kết quả là những bệnh tật nói trên đều biến
mất, do đó công nhân đã bằng lòng kéo dài ngày lao động. Nhưng trong một công
xưởng mà công nhân chỉ làm việc cho người
tư sản, và ít quan tâm đến việc làm thế nào cho tốt hơn, thì chắc chắn họ
sẽ lợi dụng cơ hội để ngồi nhiều hơn mức độ mà chủ xưởng thấy bằng lòng và có lợi,
và để giai cấp tư sản đỡ đi chút thiệt hại vì
nguyên liệu bị hư hỏng, thì công nhân buộc phải hi sinh sức khỏe của
mình13*. Ngoài ra, đứng lâu
như thế, cộng với không khí trong công xưởng thường rất tệ, càng làm cho toàn bộ
cơ thể suy nhược trầm trọng; do đó gây nên nhiều bệnh tật khác, có tính chất
toàn thân hơn là cục bộ. Không khí trong công xưởng vừa ẩm vừa nóng, thường là nóng
quá mức cần thiết; khi tình hình thông gió không rất
tốt, thì không khí rất bẩn, ngột ngạt, thiếu ôxi, đầy bụi bặm và mùi hôi của dầu
máy, mà dầu máy hầu như bao giờ cũng tràn ra nhầy nhụa, thấm khắp sàn nhà. Vì
nóng nên công nhân mặc rất mỏng, nên khi nhiệt độ trong phòng không ôn hòa thì
họ rất dễ bị cảm. Ở nơi nóng bức đó, họ rất sợ không khí trong lành; nhiệt lượng
của cơ thể giảm sút cùng với sự suy nhược dần của các cơ quan, phải nhờ sức nóng
bên ngoài để tự duy trì; thế là chính công nhân lại thấy dễ chịu nhất khi được ở
trong bầu không khí công xưởng oi bức, cửa đóng kín mít. Ngoài ra là sự thay đổi
nhiệt độ đột ngột, khi công nhân chuyển từ không khí nóng nực của công xưởng
sang không khí lạnh giá, ẩm ướt ở ngoài phố, hay khi công nhân gặp mưa mà không
có đồ che mưa hoặc không thay được quần áo khô; tất cả những cái ấy cộng lại
thường dẫn đến cảm mạo. Nếu chú ý rằng trong tình hình ấy, có lẽ ngoài bắp chân
ra thì không có bắp thịt nào phải thực sự hoạt động; nếu chú ý rằng không có
cách nào chống lại tác dụng làm suy yếu cơ thể của những nguyên nhân kể trên, vì
công nhân không có cơ hội để luyện tập thân thể, phát triển bắp thịt, làm tăng
sức mạnh và sức bật của các cơ thêm nữa; vì từ nhỏ, họ đã bị tước đi cơ hội hoạt
động ở ngoài trời; thì không ai lấy làm lạ, khi những thầy thuốc hầu như nhất
trí khẳng định trong "Báo cáo về Công xưởng" rằng: họ thấy sức đề kháng của công
nhân công xưởng đối với các bệnh tật là đặc biệt kém, sức sống của họ nhìn chung
là giảm, cả trí lực lẫn thể lực của họ ngày càng yếu. Trước tiên
hãy nghe Sir D. Barry:
"Lao động công xưởng đối với công nhân có những ảnh
hưởng bất lợi như sau: 1) nhất thiết phải giữ cho vận động thể chất và trí óc
của mình phù hợp chính xác với vận động của máy, vốn được phát động bởi một lực
đều đặn không ngừng; 2) phải đứng liên tục trong những khoảng thời gian dài quá
mức và nối tiếp nhau quá nhanh; 3) bị mất ngủ (do thời gian lao động kéo dài,
chân đau và toàn thân khó chịu). Thêm vào đó là nơi làm việc thấp, chật hẹp, bụi
bặm hoặc ẩm ướt; không khí bẩn thỉu, oi bức, mồ hôi ra không ngớt. Vì thế, mà
những bé trai, trừ một số rất ít, đều rất mau chóng mất đi vẻ hồng hào tươi tắn
của tuổi thơ, trở nên xanh xao và gầy gò hơn những cậu bé khác. Ngay cả chú bé
học việc của một người thợ dệt thủ công, đi chân đất, đứng trên nền đất của
xưởng dệt, trông cũng xinh hơn chúng, vì chú bé ấy thỉnh thoảng còn được ra
ngoài trời. Nhưng đứa trẻ làm việc ở công xưởng thì không có lúc nào rỗi rãi,
trừ lúc ăn uống, và cũng chỉ có lúc đó thì mới được ra ngoài trời. Tất cả nam
công nhân kéo sợi trưởng thành đều xanh xao, gầy gò, mắc chứng chán ăn và khó
tiêu; họ đều làm việc ở công xưởng từ nhỏ,
trong bọn họ rất ít hoặc không có ai vạm vỡ, thế nên kết luận sau đây là có lí:
nghề nghiệp của họ rất có hại cho sự phát triển của cơ thể nam giới. Phụ
nữ chịu đựng loại lao động ấy dễ dàng hơn"
(điều đó hoàn toàn tự nhiên, nhưng dưới đây ta sẽ thấy,
họ cũng có những bệnh nghề nghiệp của họ)
(Sir D. Barry, Báo cáo chung).
Power cũng viết như thế:
"Tôi có thể nói dứt khoát rằng chế độ công xưởng ở
Bradford đã gây nên nhiều trường hợp tàn tật... ảnh hưởng của lao động quá dài đối với cơ thể
không
chỉ biểu hiện ở những dị tật rõ rệt, mà còn biểu hiện một cách phổ biến hơn
ở việc chậm lớn, bắp thịt mềm nhão,
thể chất suy nhược" (Power, Báo cáo, tr. 74).
Tiếp theo, F. Sharp, nhà phẫu thuật14*
ở Leeds, đã dẫn ở trên, viết:
"Khi từ Scarborough tới Leeds, tôi thấy ngay rằng trẻ
em ở Leeds nói chung xanh xao hơn nhiều, và cơ bắp ít phát triển hơn nhiều, so
với trẻ em ở Scarborough và vùng lân cận. Tôi cũng thấy nhiều đứa quá thấp bé so
với tuổi của chúng... Tôi đã gặp vô số trường hợp bị tràng nhạc, khó tiêu, bệnh
phổi, bệnh đường ruột; là một thầy thuốc, tôi không chút hoài nghi rằng những
bệnh ấy là do làm việc ở công xưởng gây nên. Tôi cho rằng lao động quá dài làm suy yếu
năng lực thần kinh của cơ thể, tạo ra miếng đất tốt cho nhiều bệnh tật. Nếu
không có những người từ nông thôn không ngừng đổ về, thì
giống công nhân công xưởng này sẽ sớm bị thoái hóa hoàn toàn".
Beaumont, nhà phẫu thuật ở Bradford, cũng nói như vậy:
"Theo tôi thì chế độ lao động trong các công xưởng ở
đây làm cho cơ thể đặc biệt suy nhược, khiến trẻ em rất dễ mắc bệnh truyền nhiễm
và các bệnh khác... Tôi chắc chắn rằng, việc thiếu những quy định cần thiết về
không khí và sạch sẽ ở các công xưởng là một trong những nguyên nhân chủ yếu;
khiến những bệnh, mà tôi thường gặp khi hành nghề, dễ
phát sinh hoặc dễ mắc phải".
Bác sĩ William Sharp Jr. cũng chứng thực như thế
(Tiểu ban điều tra về công xưởng, Báo cáo thứ 2, năm 1833, chương 2, tr. 23):
"1) Tôi đã có dịp quan sát các tác động của chế độ công xưởng đối
với sức khoẻ của trẻ em, trong những trường hợp tốt nhất"
(tại công xưởng Wood ở Bradford, xưởng tốt nhất của thành phố này,
bác sĩ Sharp làm thầy thuốc của xưởng đó);
"2) dù ở trong những điều kiện tốt như vậy, các ảnh hưởng ấy vẫn rõ ràng là rất
có hại; 3) trong năm 1832, tôi đã chữa bệnh cho 3/5 trẻ em làm việc trong xưởng
Wood; 4) hậu quả tai hại nhất của chế độ ấy biểu hiện ở việc có nhiều người ốm
đau và suy nhược, hơn là việc có nhiều người tàn tật; 5) những cái ấy đã
được cải thiện nhiều, từ khi ngày lao động của trẻ em ở
xưởng Wood rút xuống mười giờ".
Bản thân ủy
viên tiểu ban, bác sĩ Loudon, người đã dẫn ra những lời chứng ấy cũng nói như vậy:
"Tôi cho rằng, việc trẻ con bị buộc phải lao động kéo
dài một cách phi lí và tàn khốc, và cả người lớn cũng phải làm một lượng công
việc mà sức người chưa chắc kham nổi, đã được chứng minh rõ ràng. Kết quả là
nhiều người chết sớm, nhiều người mang tật suốt đời; và theo quan điểm sinh lí
học, thì có thừa căn cứ để lo ngại cho tương lai của những thế hệ do những
người sống sót ấy đẻ ra".
Sau cùng, bác sĩ Hawkins nói về Manchester:
"Tôi cho là hầu hết khách du lịch đều thấy rằng những
cư dân Manchester, nhất là công nhân công xưởng, nói chung đều nhỏ bé, gầy yếu
và xanh xao. Trong bất kì thành phố nào ở Đại Britain hoặc châu Âu, tôi chưa bao
giờ thấy những người có tầm vóc và sắc mặt thua kém rõ rệt so với mức trung bình
của cả nước như thế.
Những phụ nữ đã kết hôn đều mất hết mọi đặc điểm của phụ nữ
Anh một cách đáng kinh ngạc... Tôi phải thừa nhận rằng: những bé trai, bé gái
của các công xưởng ở Manchester mà tôi từng khám bệnh, chúng đều tiều tụy và
xanh xao; trên khuôn mặt và cử chỉ của chúng không có nét nào sinh động, hoạt bát, vui vẻ vốn
có của tuổi trẻ. Trong đó có nhiều đứa nói với tôi: tối thứ bảy và ngày chủ nhật, chúng
không muốn đi dạo ngoài trời chút nào, mà chỉ thích ở yên trong nhà".
Thêm một đoạn khác trong báo cáo của bác sĩ Hawkins; đoạn này cố
nhiên chỉ có quan hệ một nửa với điều bàn ở đây, nhưng
có thể dẫn ra ở đây cũng tốt như ở chỗ khác:
"Không điều độ, phóng đãng, không lo xa; đó là những khuyết
điểm chủ yếu của cư dân công xưởng; và dễ thấy rằng những điểm ấy
là do những thói quen của chế độ hiện nay sinh ra, và điều đó
hầu như là tất yếu. Mọi người đều công nhận rằng
chứng khó tiêu, ưu phiền, suy nhược toàn thân là những hiện tượng rất phổ biến
trong loại công nhân ấy; sau mười hai giờ lao động đơn điệu, việc muốn tìm chút
chất kích thích nào đó quả
là hoàn toàn tự nhiên; nhưng rút cục, khi bị những chứng bệnh nói
trên, thì họ tất yếu sẽ ngày càng tìm đến rượu mạnh".
Báo cáo đã đưa ra hàng trăm ví dụ để chứng minh cho những lời của các thầy thuốc
và các ủy viên tiểu ban.
Cũng với hàng trăm dẫn chứng, báo cáo ấy chứng thực rằng sự phát triển
của công nhân trẻ đã bị lao động công xưởng làm chậm lại; chẳng hạn, Cowell đã
đưa ra 46 nam thanh niên, cùng mười bẩy tuổi, cùng học một
trường chủ
nhật; trong đó, 26 người làm việc ở công xưởng nặng trung bình 104,5 pound, 20 người kia cũng là công nhân nhưng không làm việc ở công xưởng, thì nặng
trung bình 117,7 pound. Chính một trong những chủ xưởng lớn nhất ở Manchester,
một kẻ lãnh đạo các chủ xưởng chống lại công nhân, tên là Robert Hyde Greg, nếu
tôi không nhầm, có lần đã nói: nếu tình hình tiếp tục như hiện nay, thì những công nhân
công xưởng Lancashire
sẽ sớm biến thành một chủng tộc người lùn15*.
Một sĩ quan tuyển tân binh nói: công nhân
công xưởng rất không phù hợp với quân đội, họ gầy và yếu, thường bị các thầy
thuốc từ chối (Tufnell, tr. 59).
Ở Manchester ông ta khó kiếm được ai cao 5 foot 8 inch,
đại đa số chỉ cao 5 foot 6-7 inch, trong khi ở các khu nông nghiệp thì
hầu hết tân binh đều cao 5 foot 8 inch.
Do ảnh hưởng của những điều kiện ấy, những nam công nhân mòn mỏi đi rất
nhanh. Đại đa số đến 40 tuổi là không còn làm việc được, chỉ vài người có thể
kiên trì đến 45 tuổi, hầu như không ai trụ được đến 50 tuổi. Nguyên nhân mất khả
năng lao động không chỉ là suy nhược cơ thể, mà còn là thị lực giảm sút; đấy là
hậu quả do làm việc với máy mule, ở đó, công nhân phải luôn chăm chú nhìn một
hàng dài những sợi nhỏ song song, do đó cặp mắt lúc nào cũng rất căng thẳng.
Trong 1600 công nhân làm việc tại các xưởng ở Harpur và Lanark, chỉ 10 người
trên 45 tuổi; trong 22.094 công nhân làm việc tại các xưởng ở Stockport và
Manchester, chỉ 143 người trên 45 tuổi. Trong 143 người ấy, có 16 người được ở
lại công xưởng là do ân huệ đặc biệt, và có một người chỉ làm công việc của trẻ
con. Trong một danh sách gồm 131 thợ kéo sợi nam, chỉ có bẩy người trên 45 tuổi,
thế mà cả 131 người ấy đi xin việc ở đâu cũng đều bị từ chối vì "quá lớn tuổi".
Trong 50 người thợ kéo sợi bị loại ra ở Bolton, chỉ có 2 người quá 50 tuổi, còn
thì bình quân chưa quá 40 tuổi, thế mà họ đều thất nghiệp vì tuổi quá cao! Trong
một bức thư gửi huân tước Ashley, một chủ xưởng lớn tên là Ashworth đã thừa
nhận: những người thợ kéo sợi, tới gần 40 tuổi, là đã không còn kéo được
nhiều sợi như qui định, thế nên "có khi" đã bị đuổi; y gọi
những công nhân 40
tuổi là "những người già"16*. Trong
báo cáo năm 1833, ủy viên của tiểu ban là Mackintosh nói:
"Dù đã biết trẻ em làm việc trong những điều kiện thế
nào, và đã chuẩn bị về tư tưởng, nhưng tôi vẫn khó tin số tuổi mà chính những công
nhân già nua ấy nói ra, vì họ già sớm
quá".
Nhà phẫu thuật Smellie ở Glasgow, chuyên khám bệnh cho công nhân công xưởng,
cũng nói rằng với công nhân thì 40 tuổi đã là già (old age) (Stuart, Văn
kiện, tr. 101). Ta thấy những bằng chứng tương tự ở Tufnell, Văn kiện, tr. 3, 9, 15 và
Hawkins, Báo cáo, tr. 4, Văn kiện, tr. 14, v.v..
Ở Manchester hiện tượng già sớm ấy của công nhân
rất phổ biến, hầu như mọi đàn ông bốn mươi tuổi đều già hơn
tuổi thực từ mười đến mười
lăm tuổi; còn trong những giai cấp khá giả, thì nam hay nữ, chỉ cần họ không
uống rượu quá nhiều thì trông vẫn trẻ.
Ảnh hưởng của lao động công xưởng đối với cơ thể phụ nữ cũng rất đặc
biệt. Những dị tật do ngày lao động quá dài
gây ra ở phụ nữ còn nghiêm trọng hơn ở nam giới: những biến dạng của xương chậu
(một phần do vị trí và sự phát triển không bình thường của chính xương chậu, một phần do
sự cong vẹo của phần dưới cột sống) thường là do nguyên nhân ấy sinh ra.
Trong báo cáo của bác sĩ Loudon có nói: "Mặc
dù bản thân tôi chưa từng thấy trường hợp biến dạng xương chậu nào, hay
mấy chứng bệnh khác; nhưng mỗi thầy thuốc đều phải coi những hiện tượng đó có thể là hậu
quả của ngày lao động quá dài của trẻ em; điều ấy đã được những
bác sĩ có uy tín rất lớn xác nhận".
Nhiều bà đỡ và thầy thuốc sản khoa chứng thực là nữ công nhân công xưởng đẻ khó
hơn phụ nữ khác và thường đẻ non (chẳng hạn, bác sĩ Hawkins, Văn kiện, tr. 11,
13). Ngoài ra, nữ công nhân còn mắc chứng thực suy nhược toàn thân, cái đó là
phổ biến trong công nhân công xưởng; và khi có thai, họ vẫn
làm việc ở công xưởng đến tận lúc đẻ;
điều đó hoàn toàn dễ hiểu, vì họ sợ nếu nghỉ sớm thì chỗ làm của họ sẽ bị người
khác chiếm lấy, còn họ thì bị sa thải; và nghỉ sớm còn bị mất lương. Việc nữ
công nhân tối hôm trước còn làm việc, sáng hôm sau đã đẻ là rất thường thấy;
thậm chí đẻ ngay trong xưởng, bên cạnh máy, cũng không phải hiếm. Nếu các ngài
tư sản không thấy điều đó có gì ghê gớm, thì có lẽ vợ họ sẽ đồng ý với tôi rằng:
gián tiếp bắt một phụ nữ có thai phải làm mỗi ngày 12-13 giờ (trước kia còn
nhiều hơn), mà luôn phải đứng và thường phải cúi, cho đến tận ngày đẻ; đó là một
việc vô cùng tàn khốc, một hành vi dã man bỉ ổi. Nhưng đó chưa phải là tất cả.
Khi nữ công nhân được nghỉ hai tuần sau khi đẻ, thì họ rất hài lòng, và coi đó
là một thời gian nghỉ dài. Nhiều người mới đẻ được một tuần, thậm chí mới 3-4
ngày, đã trở lại công xưởng, làm đủ cả ngày. Có lần tôi nghe chủ xưởng hỏi người
đốc công: "Chị ta còn chưa đến à? - Chưa. - Chị ta đẻ được bao lâu rồi? - Một
tuần. - Thế thì chị ta lẽ ra phải quay lại từ lâu rồi. Một chị khác trong trường
hợp như thế chỉ ở nhà ba ngày". Thật hoàn toàn dễ hiểu: vì sợ bị sa thải, sợ
thất nghiệp, nên nữ công nhân buộc phải trở lại công xưởng, dù họ còn yếu và
đau; lợi ích của chủ xưởng không cho phép công nhân nghỉ ốm: công nhân không
được ốm, nữ công nhân không được phép nghỉ sau khi đẻ; không thì chủ xưởng sẽ
phải dừng máy lại, hoặc đầu óc cao quí của hắn sẽ phải mệt nhọc để tìm những
biện pháp giải quyết tạm thời; để khỏi phải làm việc đó, hắn sa thải những công
nhân nào ốm đau.
Hãy nghe (Cowell, Văn kiện, tr. 77):
"Một cô gái cảm thấy khó chịu trong người, gần như không thể
làm việc tiếp. '- Sao cô ta không xin phép về nhà? - Ô! Thưa
ông, về việc này "ông chủ" rất nghiêm khắc: chúng tôi chỉ vắng mặt
một phần tư ngày là đã có nguy cơ bị đuổi rồi' ".
Và một dẫn chứng khác (Sir D. Barry, Văn kiện, tr. 44): công nhân Thomas McDurt hơi
sốt:
"Anh ta không dám ở nhà, nếu có ở nhà thì cũng không dám nghỉ quá
bốn ngày, vì sợ mất việc".
Tình hình ở hầu như mọi công xưởng đều như thế. Lao động của những thiếu nữ,
đang ở thời kì phát triển cơ thể, còn gây ra nhiều hiện tượng khác thường. Một
số người, nhất là những ai được ăn uống khá, vì không khí nóng bức của công
xưởng nên lớn nhanh hơn, và một số thiếu nữ 12-14 tuổi đã phát triển hoàn toàn
đầy đủ. Trong tờ "North of England Medical and Surgical Journal", Roberton,
người mà tôi từng nhắc đến, được "Báo cáo về công xưởng" gọi là thầy thuốc sản
khoa "xuất sắc" ở Manchester, nói rằng: ông đã gặp một bé gái mười một tuổi,
không những phát triển hoàn toàn đầy đủ, mà còn đã có thai; và con gái mười lăm
tuổi đẻ con không phải là hiếm ở Manchester. Ở trường hợp này, sự nóng bức ở
công xưởng có tác dụng như khí hậu nhiệt đới; và cũng như ở khí hậu ấy, người ta
lớn quá sớm thì tuổi già và sức yếu cũng đến quá sớm. Nhưng cũng thường thấy sự
phát triển của cơ thể phụ nữ bị chậm: ngực nở nang muộn hoặc hoàn toàn không có,
Cowell dẫn ra những ví dụ như thế ở tr. 35; kinh nguyệt nhiều khi tới 17-18
tuổi, có khi hai mươi tuổi, mới bắt đầu có, thường là hoàn toàn không có (bác sĩ
Hawkins, Văn kiện, tr. 11; bác sĩ Loudon, Văn kiện, tr. 14 và các trang khác;
Sir D. Barry, Văn kiện, tr. 5 và các trang khác). Kinh nguyệt thường không đều, lại kèm theo chứng đau dữ dội
và khó chịu, nhất là chứng thiếu máu rất
phổ biến; đó là điều mà tất cả các báo cáo y học đều nhất trí chứng minh.
Những phụ nữ như vậy, đặc biệt là khi đang có thai mà vẫn phải làm việc,
không thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Theo những báo cáo, nhất là báo cáo
về Manchester, thì những đứa trẻ đó đều rất yếu; chỉ một mình Barry cho là chúng
khỏe mạnh, nhưng ông cũng nói rằng: ở
Scotland, nơi ông kiểm tra, hầu
như không có phụ nữ đã kết hôn
nào làm việc ở công xưởng; hơn nữa, phần lớn những
công xưởng ở đó, trừ khu vực Glasgow ra, thì đều nằm ở nông thôn, điều đó rất
tốt cho sức khoẻ của trẻ em. Ở những vùng phụ cận Manchester, hầu hết con công
nhân đều trông hồng hào và hớn hở, còn con công nhân ở trong thành phố thì xanh
xao và còm cõi. Nhưng đến chín tuổi thì sắc mặt hồng hào đột nhiên biến mất, vì
khi ấy trẻ em bị đưa vào công xưởng; chẳng bao lâu sau thì không còn phân biệt
được trẻ nông thôn với những trẻ thành
phố nữa.
Ngoài ra, trong lao động công xưởng còn có những ngành đặc biệt hại cho
sức khỏe. Ví dụ, ở những công xưởng kéo sợi bông và lanh, không khí thường dày
đặc bụi xơ; làm cho công nhân, nhất là những ai ở phân xưởng chải và phân xưởng
chải xơ, dễ mắc bệnh phổi. Một số người chịu được thứ bụi xơ ấy, một số thì
không. Nhưng công nhân không được lựa chọn, anh ta tìm được việc ở bộ phận nào
thì phải ở đấy, bất kể điều đó có tốt cho phổi của anh hay không. Hít thứ bụi ấy
vào phổi thì có những hậu quả phổ biến là khạc ra máu, khó thở, thở khò khè, đau
ngực, ho, mất ngủ, tóm lại là các triệu chứng của bệnh hen; nặng nhất thì biến
thành bệnh lao (xem Stuart, tr. 13, 70, 101; Mackintosh, tr. 24 và các trang
khác; Báo cáo của Power về Nottingham và Leeds; Cowell, tr. 33 và các trang
khác; Barry, tr. 12: năm trường hợp trong một công xưởng, tr. 17, 44, 52, 60 và
các trang khác, và trong báo cáo của ông; Loudon, tr. 13, v.v. và v.v.). Đặc
biệt có hại là việc kéo sợi lanh bằng phương pháp ẩm, do thiếu nữ và trẻ em làm.
Nước từ các ống sợi bắn vào người họ, nên quần áo họ lúc nào cũng ướt đẫm ở mặt
trước, và mặt đất lúc nào cũng đọng nước. Ở các phân xưởng sợi của công xưởng
kéo sợi bông thì cũng thế, dù ở mức độ nhẹ hơn, và hậu quả là cảm mạo thường
xuyên và bệnh phổi. Giọng khàn khàn, the thé là đặc điểm chung cho tất cả công
nhân công xưởng, nhưng nặng nhất là thợ kéo sợi bằng phương pháp ẩm và thợ đấu
sợi. Stuart, Mackintosh và Sir D. Barry đều dùng những lời gay gắt nhất để nói
về tác hại của loại công việc ấy, cũng như việc hầu hết chủ xưởng không quan tâm
tới sức khỏe của những thiếu nữ thực hiện công việc đó. Một hậu quả khác của
việc kéo sợi lanh là việc vai biến dạng đặc biệt, xương bả vai bên phải nhô ra
trước, do bản chất của công việc ấy gây ra. Việc kéo sợi lanh cũng giống như
việc kéo sợi bông với máy sợi con, thường gây nên các bệnh ở xương bánh chè, vì
phải dùng đầu gối để giữ các cọc sợi khi nối sợi đứt. Làm hai loại công việc ấy,
công nhân phải luôn cúi xuống, và máy lại đặt quá thấp, nên cơ thể phát triển
không đầy đủ. Tôi từng làm trong một công xưởng sợi bông ở Manchester, theo tôi
nhớ thì trong các phân xưởng dùng máy sợi con, không một cô gái nào có vóc người
cao và cân đối; họ đều thấp bé, cằn cỗi, thân hình rất khó coi. Ngoài những bệnh
và dị tật ấy, công nhân còn bị những thương tổn khác nữa. Làm việc cùng máy móc
thường gây ra nhiều tai nạn ít nhiều nghiêm trọng, kết quả là công nhân ít nhiều
mất năng lực lao động. Thường gặp nhất là bị mất một đốt ngón tay, trường hợp cả
ngón tay, cả bàn tay hoặc cả cánh tay bị bánh xe nghiến nát thì ít thấy hơn. Sau
khi bị thương, kể cả với vết thương nhẹ, người ta thường chết vì bị uốn ván. Ở
Manchester, ngoài những người bị dị tật, ta còn thấy một số rất lớn người cụt
chân tay; người này mất một nửa hoặc cả cánh tay, người kia mất một bàn chân,
người khác mất một nửa chân; cứ như là sống giữa một toán thương binh từ chiến
trận trở về. Nhưng chỗ nguy hiểm nhất trên máy là những dây cua-roa truyền động
lực từ trục đến các máy, nhất là khi chúng có những khóa nối, nhưng bây giờ đã
ít có. Ai bị dây cua-roa ngoắc phải thì trong nháy mắt đã bị kéo đi, bị quật lên
trần nhà hoặc xuống sàn nhà, với một lực mạnh đến nỗi hầu như chẳng còn cái
xương nào nguyên vẹn, và chết ngay lập tức. Từ 12 tháng Sáu đến 3 tháng Tám 1844, tờ "Manchester
Guardian" đã đưa tin về những tai nạn nghiêm trọng
như sau (những tai nạn nhẹ thì báo không nói đến): 12 tháng Sáu, một em trai ở
Manchester bị máy nghiến nát một cánh tay, rồi chết vì bị uốn ván; 15 tháng Sáu,
một thiếu niên ở Saddleworth bị bánh xe cuốn đi rồi đập chết, thi thể nát vụn;
29 tháng Sáu, ở gần Manchester, một thanh niên làm trong xưởng chế tạo máy ở
Green Acres Moor, bị rơi xuống một phiến đá mài, gãy hai xương sườn và bị thương
nặng toàn thân; 24 tháng Bảy, một thiếu nữ ở Oldham chết vì bị dây cua-roa cuốn
đi năm mươi vòng, không còn cái xương nào nguyên vẹn; 27 tháng Bảy, một cô gái ở
Manchester ngã vào máy bật bông (cái máy đầu tiên nhận bông thô), bị thương và
chết; 3 tháng Tám, một công nhân tiện ống chỉ ở Dukinfield chết vì bị dây
cua-roa cuốn, gãy hết các xương sườn. Chỉ trong năm 1843, số người bị thương và
tàn tật do máy gây ra, đến điều trị ở bệnh viện Manchester là 962, còn số người
bị các tai nạn khác điều trị ở bệnh viện là 2426; vậy là cứ năm tai nạn do những
nguyên nhân khác gây nên, thì có hai tai nạn do máy. Đó là chưa kể các tai nạn
xảy ra ở Salford, và những người được thầy thuốc tư điều trị. Khi bị tai nạn,
nếu nạn nhân không mất năng lực lao động, chủ xưởng cùng lắm cũng chỉ trả tiền
cho thầy thuốc; trong khi điều trị mà vẫn có lương thì rất hiếm; nếu công nhân
không còn làm việc được, thì chủ xưởng cũng không quan tâm đến việc công nhân ấy
sau này sẽ ra sao.
Về vấn đề này, báo cáo về công xưởng nói: trong bất kì trường hợp
nào, chủ xưởng vẫn phải chịu trách nhiệm; bởi vì trẻ em không biết giữ
gìn bản thân, còn người lớn thì đã tự biết đề phòng vì lợi ích của
họ. Nhưng báo cáo ấy là do những người tư sản viết, nên họ không tránh khỏi việc tự mâu
thuẫn, để rồi lại
tung ra những câu vô nghĩa đủ loại, nói về "sơ suất đáng trách"
(culpable temerity) của công nhân. Nói thế cũng chẳng thay đổi được gì.
Thực chất của sự việc là thế này: nếu trẻ em
không thể giữ gìn bản thân thì phải cấm việc thuê trẻ em lao
động; nếu người lớn thường
không giữ gìn cẩn thận, thì hoặc là họ cũng giống trẻ con,
tức là trình độ nhận thức của họ còn thấp, nên họ không hoàn toàn hiểu được mối nguy hiểm;
ai phải chịu trách nhiệm về việc đó, nếu không phải là giai cấp
tư sản, kẻ đã đặt họ vào hoàn cảnh không thể
học tập và phát triển? Hoặc là tại máy móc được xếp đặt không tốt, lẽ ra phải có
thêm rào chắn hay lan can quanh máy, đó cũng là trách nhiệm của giai cấp tư sản;
hoặc là có những động cơ khác chi phối công nhân còn mãnh liệt hơn cả mối đe dọa
của những nguy hiểm đó: vì muốn kiếm thêm ít tiền, anh ta phải làm vội và không
có thì giờ để cẩn thận, v.v.; cả ở trường hợp ấy, giai cấp tư sản vẫn phải chịu
trách nhiệm. Nhiều tai nạn xảy ra do công nhân lau chùi
máy khi máy còn chạy. Tại sao? Vì người tư sản bắt công nhân lau chùi máy trong
giờ nghỉ, khi máy
dừng chạy, còn công nhân tất nhiên là không muốn cắt xén chút thời gian nghỉ nào
của họ. Đối với anh ta mỗi giờ nghỉ đều quý báu, đến nỗi anh ta thà liều mạng
mỗi tuần hai lần, chứ không muốn hi sinh giờ nghỉ ấy cho người tư sản. Nếu chủ
xưởng dành một phần thời gian lao động để lau chùi máy, thì sẽ không có công
nhân nào phải làm việc đó khi máy đang chạy. Tóm lại, trong mọi trường hợp tai
nạn, phân tích đến cùng thì trách nhiệm vẫn thuộc về chủ xưởng; ít ra cũng phải
đòi họ chu cấp suốt đời cho công nhân mất sức lao động, với trường hợp công nhân
bị chết thì phải chu cấp cho gia đình nạn nhân. Ở buổi đầu của thời kì phát
triển công nghiệp, tỉ lệ tai nạn còn cao hơn ngày nay nhiều, vì hồi đó máy móc
xấu hơn, nhỏ hơn, đặt sát nhau hơn, và hầu như không có gì che chắn. Nhưng, như
những tài liệu nói trên đã chứng tỏ, số tai nạn hiện nay vẫn rất nhiều, khiến
người ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về sự thật là: chỉ vì lợi ích của một
giai cấp, mà bao nhiêu người đã bị dị tật hoặc tàn phế;
và bao nhiêu công nhân cần cù đã phải chịu đói
khổ, vì một tai nạn xảy ra trong khi phục vụ giai cấp tư sản, và lại do tội lỗi của giai cấp ấy.
Lòng tham bỉ ổi của giai cấp tư sản đã tạo nên bao nhiêu bệnh tật! Phụ
nữ mất khả năng sinh đẻ, trẻ con tàn tật, đàn ông yếu đuối xanh xao, bao con
người bị vắt kiệt, toàn bộ nhiều thế hệ bị tàn phá, bệnh tật và ốm yếu; chỉ để
giai cấp tư sản nhét cho đầy túi! Và khi đọc đến từng việc tàn bạo dã man, như
trẻ em bị đốc công kéo dậy từ trên giường, thân thể trần truồng, tay cầm quần
áo, bị đẩy vào công xưởng bằng đấm đá (ví dụ: Stuart, tr. 39 và các trang khác);
và giấc ngủ của bọn trẻ bị đập tan bằng những quả đấm như thế nào; trong khi làm
việc chúng lại gục xuống ngủ như thế nào; một đứa trẻ đáng thương đã thiếp đi,
ngay khi máy vừa dừng chạy, bị đốc công quát gọi, nó giật mình tỉnh dậy, cứ nhắm
mắt mà lặp lại những thao tác thường ngày; khi đọc thấy những đứa trẻ kiệt sức
đến nỗi không đi về nhà được, nấp trốn dưới đống len trong phòng sấy mà ngủ, và
phải dùng đến roi da thì mới đuổi được chúng ra khỏi xưởng; khi thấy hàng trăm
đứa trẻ, hàng ngày về tới nhà là mệt, buồn ngủ và chán ăn, đến nỗi không nuốt
nổi bữa tối, và cha mẹ chúng thấy chúng thiếp đi khi đang quì trước giường để
cầu nguyện; khi đọc thấy tất cả những điều ấy, và hàng trăm sự việc đê tiện ghê
gớm khác, trong một báo cáo mà mọi bằng chứng đều được đưa ra có tuyên thệ, và
được xác nhận bởi nhiều nhân chứng, mà chính các ủy viên đã thừa nhận là đáng
tin; khi nhớ rằng đó là một báo cáo của "Đảng tự do", một báo cáo của giai cấp
tư sản, để bác bỏ báo cáo trước đó của đảng Tory, và chứng minh tấm lòng trong
sạch của các chủ xưởng; khi nhớ rằng chính những ủy viên tiểu ban đều đứng về
phía giai cấp tư sản, họ bất đắc dĩ phải ghi lại tất cả những chứng cớ ấy; thì
lẽ nào lại không tức giận và căm thù cái giai cấp tự vỗ ngực là từ bi và vị tha,
mà thực ra chỉ có một khát vọng,
là nhét đầy túi à tout prix17.
Nhưng bây giờ hãy nghe chính giai cấp tư sản nói, qua
cái mồm của tên đầy tớ mà họ đã cử ra: bác sĩ Ure.
Trong cuốn "Triết học về công xưởng", tr. 277 và các trang sau, ông ta
viết: có người nói với công nhân rằng tiền lương của họ không tương xứng với sự
hi sinh của họ, như thế là người ta đã phá hoại quan hệ tốt giữa chủ và thợ. Lẽ
ra công nhân nên cố gắng biểu hiện sự chăm chỉ và tận tụy với công việc của
mình, nên vui mừng đối với những thành công của chủ, như vậy họ có thể trở thành
đốc công, quản lí, cuối cùng thậm chí có thể trở thành cổ đông, do đó (ôi! Thật
khôn khéo, nói ngây thơ như chim bồ câu gù gù vậy!) "họ sẽ làm tăng nhu cầu của
thị trường về nhân công"! "Nếu không có các gián đoạn và xung đột quá khích,
do quan điểm sai lầm của công nhân gây ra, thì
chế độ công xưởng còn phát triển mau chóng và hữu ích hơn nữa".
Sau đó là một đoạn ca thán dài về sự bướng bỉnh của công nhân, và khi nói đến
một cuộc bãi công của những công nhân
lương cao nhất, công nhân kéo sợi nhỏ, thì ông
ta thốt ra những câu ngây thơ như sau:
"Đúng, chính tiền lương cao của họ đã khiến họ có thể duy trì một
ủy ban được trả lương, và đã nuông chiều họ, làm cho họ mắc chứng căng thẳng thần kinh,
do ăn uống quá tẩm bổ và quá kích thích đối với loại công việc của họ!"
(tr. 298).
Hãy nghe tay tư sản ấy mô tả lao động của trẻ em:
"Trong nhiều tháng, tôi đã tham quan nhiều công xưởng ở
Manchester và vùng phụ cận, đã đột xuất tới thăm nhiều xưởng kéo sợi,
ở nhiều thời điểm trong ngày, lại thường đi một mình;
và tôi chưa từng thấy một đứa trẻ bị ngược đãi, bị nhục hình
hay tâm lí không tốt. Tất cả chúng đều
vui vẻ (cheerful), nhanh
nhẹn, thấy thích thú (taking pleasure) với sự hoạt động nhẹ nhàng của
cơ bắp, và có đầy đủ tính hoạt bát tự
nhiên của lứa tuổi chúng. Cảnh tượng sản xuất không gây ra trong lòng tôi
chút cảm giác buồn rầu nào; trái lại, nó luôn làm cho tôi
thấy phấn chấn. Nhìn chúng nối sợi đứt nhanh như thế nào mỗi khi bộ ống sợi lùi lại, và sau khi
cho các ngón tay nhỏ nhắn của mình hoạt động trong vài giây, chúng đã đùa
nghịch với mọi tư thế trong mấy giây rỗi rãi, đến khi công việc lên
sợi hay tháo chỉ lại sẵn sàng; cảnh tượng ấy thật khiến người ta
khoan khoái (delightful). Công việc của những chú bé hoạt bát
(lively) ấy trông như
một thứ trò chơi, vì đã quen nên chúng làm rất dễ dàng
và khéo léo. Chính chúng cũng có ý thức về sự khéo léo của mình, và rất thích
khoe ra cho người ta thấy. Không hề có
dấu vết của sự mệt mỏi do làm việc, vì cứ ra khỏi xưởng là chúng chơi đùa nhảy
nhót trên một sân chơi gần nhất, như là những đứa trẻ vừa tan học"
(tr.310).
Đương nhiên rồi! Cứ như là vận động bắp thịt một chút không phải là nhu cầu bức
thiết của một cơ thể đã bị công việc làm cho cứng đờ và mệt lử! Nhưng lẽ ra tác
giả nên chờ một chút, xem sự kích thích trong chốc lát ấy có mất đi ngay chỉ sau
mấy phút hay không. Hơn nữa, ông ta chỉ có
thể nhìn thấy thế vào buổi trưa,
đó là khi các em mới làm việc được 5-6 giờ, chứ không phải là vào
buổi tối! Còn về sức khỏe của công nhân, thì tay tư sản ấy,
vì muốn chứng minh là tình hình rất tốt, nên đã viện đến, theo một cách hết sức
trơ trẽn, báo cáo năm 1833, cái báo cáo mà tôi đã trích dẫn cả nghìn lần. Ông ta
lấy vài câu đã bị cắt xén và tách riêng ra, để cố chứng tỏ rằng trong công nhân
không có dấu vết nào của bệnh tràng nhạc, và chế độ công xưởng làm cho công nhân
tránh khỏi các bệnh cấp tính (cái đó thì đúng, nhưng thay vào đó, chế độ công
xưởng lại đem đến cho công nhân các bệnh kinh niên, về điểm này thì đương nhiên
là tác giả im lặng). Để hiểu xem ngài Ure đáng kính của chúng ta đã nói dối công
chúng Anh một cách vô sỉ như thế nào, thì nên biết là báo cáo này gồm có ba
quyển dày khổ lớn, và một người tư sản Anh bụng phệ thì không bao giờ nghĩ đến
việc nghiên cứu nó cẩn thận. Hãy nghe ý kiến của ông ta về đạo luật công xưởng,
do phái tư sản tự do công bố năm 1833; mà sau đây ta sẽ thấy, đạo luật ấy chỉ
bắt chủ xưởng chịu những hạn chế nhỏ nhất. Thế mà với ông ta thì đạo luật ấy,
nhất là điều khoản phổ cập giáo dục, là một biện pháp phi lí và độc đoán, chống
lại chủ xưởng. Ngài Ure nói: đạo luật ấy đã đuổi tất cả trẻ em dưới 12 tuổi ra
đường, và kết quả là gì? Bị
gạt khỏi những công việc nhẹ nhàng và bổ ích, các em bây giờ không được tiếp
thu một sự giáo dục nào; bị đuổi từ
xưởng kéo sợi ấm áp ra ngoài thế giới lạnh giá,
chúng chỉ sống được nhờ ăn xin và ăn cắp; cuộc sống ấy thực là bi
thảm, ngược với tình cảnh không ngừng được cải thiện của chúng
ở công xưởng và trường học chủ nhật!
Đạo luật ấy, dưới cái mặt nạ bác ái, đã làm tăng nỗi đau khổ của
người nghèo; và nếu không làm đình trệ hoàn toàn,
thì nó cũng gây trở ngại rất lớn cho công việc hữu ích của những chủ xưởng
tốt bụng (tr. 404, 406 và các trang sau).
Những tác dụng tai hại của chế độ công xưởng đã được người ta chú ý từ
lâu. Ta từng nói đến đạo luật về thợ học việc năm 1802. Sau đó, khoảng năm 1817,
một chủ xưởng ở New Lanark (Scotland) là Robert Owen, về sau trở thành người
sáng lập ra chủ nghĩa xã hội Anh, đã bắt đầu gửi những đơn thỉnh nguyện và bản
điều trần, kêu gọi chính phủ dùng pháp luật để bảo vệ sức khỏe của công nhân,
nhất là trẻ em. Sir Robert Peel đã quá cố, và nhiều nhà từ thiện khác, đã ủng hộ
ông; họ lần lượt đòi chính phủ thông qua những đạo luật về công xưởng năm 1819,
1825 và 1831; hai đạo luật trước về cơ bản là không có ai tuân thủ, đạo luật thứ
ba thì người ta chỉ tuân thủ phần nào. Đạo luật năm 1831, theo đề nghị của Sir
J. C. Hobhouse, đã cấm các xưởng bông sử dụng công nhân dưới 21 tuổi làm việc
đêm từ bảy giờ rưỡi tối đến năm giờ rưỡi sáng, ngoài ra còn qui định: trong bất
kì công xưởng nào, thời gian làm việc của công nhân dưới 18 tuổi là không quá 12
giờ mỗi ngày, riêng thứ bẩy là không quá 9 giờ. Nhưng công nhân, vì sợ bị sa
thải, nên không dám ra làm chứng chống lại chủ của mình; thế là đạo luật ấy
không giúp công nhân được bao nhiêu. Trong những thành phố lớn, công nhân khó
bảo hơn, thì các chủ xưởng lớn đã thống nhất tuân thủ đạo luật này; nhưng ở đó
cũng có không ít người, hệt như những chủ xưởng ở nông thôn, không bận tâm đến
luật đó. Bấy giờ, trong công nhân, đã có phong trào đòi dự luật mười giờ, tức là
một đạo luật qui định thời gian lao động của công nhân dưới 18 tuổi là không quá
10 giờ mỗi ngày. Các công liên đã tuyên truyền để yêu cầu ấy trở thành yêu cầu
phổ biến của toàn thể cư dân công xưởng, còn phái bác ái của đảng Tory, hồi ấy
do Michael Sadler cầm đầu, đã nắm lấy kế hoạch ấy và đưa ra thảo luận ở Nghị
viện. Sadler đã đạt được mục đích, là cử một tiểu ban của Nghị viện đi điều tra
về chế độ công xưởng; tiểu ban này đã trình báo cáo trong kì họp Nghị viện năm
1832. Báo cáo ấy có tính thiên vị rõ rệt, do những kẻ thù công khai của chế độ
công xưởng thảo ra, để phục vụ lợi ích bè phái. Sadler đã để nhiệt tình cao quí
của mình dẫn dắt tới những nhận định rất sai lạc và bị xuyên tạc đi quá nhiều;
do cách đặt vấn đề của bản thân, nên từ những nhân chứng, ông đã rút ra các câu
trả lời dù là xác thực, nhưng sự thực ấy
đã bị xuyên tạc và bóp méo. Các chủ xưởng thì điên tiết, vì báo cáo đã mô tả họ
như những con ác quỉ, liền yêu cầu một cuộc điều
tra chính thức; họ hiểu rằng một báo cáo chân thực
lúc này chỉ có lợi cho họ, họ biết là đảng Whig, lúc đó đang cầm quyền,
bao gồm những người tư sản thực thụ, có quan hệ tốt với họ, và có nguyên tắc là
phản đối sự hạn chế công nghiệp. Quả nhiên, họ đã có được một tiểu ban hoàn toàn
gồm những người tư sản tự do, báo cáo của tiểu ban này chính là báo cáo mà tôi thường trích dẫn.
Báo cáo ấy gần với sự thật hơn một chút,
so với báo cáo của tiểu ban Sadler, nhưng lại xa rời sự thật theo hướng ngược
lại. Trang nào cũng tỏ ý đồng tình với chủ xưởng, nghi ngờ báo cáo của Sadler;
thù ghét những hành động độc lập của công nhân, cũng như những ai ủng hộ dự luật
mười giờ. Không chỗ nào thừa nhận công nhân có quyền sống một cuộc sống của con
người, có quyền hoạt động độc lập, và quyền có quan điểm riêng. Nó
trách công nhân rằng: khi tuyên truyền cho dự luật mười giờ, họ không chỉ
nghĩ cho con em họ, mà còn cho bản thân họ; nó gọi những công nhân tuyên truyền
là mị dân, nham hiểm, có ác ý, v.v.; tóm lại, nó đứng về phía giai cấp tư sản.
Nhưng báo cáo ấy vẫn không thể bào chữa cho chủ xưởng, nó cũng phải thú nhận là
có rất nhiều việc xấu xa do bọn họ gây ra; thậm chí xem báo cáo ấy thì thấy
rằng: việc cổ động cho dự luật mười giờ, sự oán hận của công nhân đối với chủ
xưởng, và những lời nặng nề nhất mà tiểu ban Sadler dành cho họ, đều là hoàn
toàn chính đáng. Sự khác nhau chỉ là: báo cáo của Sadler lên án bọn chủ xưởng về
những hành động tàn khốc công khai, không che đậy; còn báo cáo này lại cho thấy
rằng những hành động ấy thường được che đậy bằng cái mặt nạ văn minh và nhân
đạo. Ví dụ bác sĩ Hawkins, ủy viên điều tra về y tế ở Lancashire, đã kiên quyết
ủng hộ dự luật mười giờ ngay từ mấy dòng đầu trong báo cáo của ông! Ủy viên
Mackintosh nói: báo cáo của ông chưa phải là toàn bộ sự thực, vì rất khó thuyết
phục công nhân ra làm chứng chống lại chủ; vả lại, các chủ xưởng, do sự đấu
tranh của công nhân, đã buộc phải nhượng bộ nhiều hơn; khi bị kiểm tra, họ
thường đã có chuẩn bị: cho quét dọn công xưởng, cho máy chạy chậm lại, v.v. Đặc
biệt ở Lancashire, họ dùng kế này: đưa bọn đốc công giả làm "công nhân" ra trước
tiểu ban, để chúng "chứng thực" về lòng nhân đạo của chủ xưởng, ảnh hưởng tốt
của lao động đối với sức khỏe, sự thờ ơ, thậm chí là chán ghét, của công nhân
đối với dự luật mười giờ. Nhưng chúng không còn là công nhân thực sự nữa, mà là
những kẻ đã phản bội giai cấp mình, đã vì chút lương cao mà phục vụ giai cấp tư
sản, đã chống lại công nhân để bảo vệ lợi ích của bọn tư bản. Lợi ích của chúng
cũng là lợi ích của giai cấp tư sản, thế nên chúng bị công nhân căm ghét hơn cả
chủ xưởng. Dù vậy, báo cáo ấy vẫn nói lên, một cách hoàn toàn đầy đủ, sự tàn bạo
đến vô sỉ của giai cấp tư sản công nghiệp đối với công nhân; và sự bỉ ổi của chế
độ bóc lột công nghiệp, với tất cả tính vô nhân đạo của nó. Còn gì đáng phẫn nộ
hơn khi so sánh hai điều: một bên là bao nhiêu bệnh tật do lao động quá sức gây
ra, như báo cáo đã nêu; bên kia là thứ kinh tế chính trị lạnh lùng, chi li của
bọn chủ xưởng, những kẻ đó cố dùng những con số ấy để chứng minh rằng: nếu không
cho phép họ mỗi năm biến hàng loạt trẻ em thành tàn tật, thì cả nước Anh sẽ phải
cùng phá sản với họ! Có lẽ chỉ những lời bậy bạ vô sỉ của Ure, mà tôi đã trích
dẫn, mới có thể làm cho người ta phẫn nộ hơn, nếu những lời ấy không lố bịch đến thế.
Kết quả của báo cáo ấy là đạo luật về công xưởng năm 1833, cấm thuê trẻ
con dưới 9 tuổi làm việc (trừ những xưởng lụa); qui định thời gian lao động: với
trẻ 9-13 tuổi là 48 giờ mỗi tuần và không quá 9 giờ mỗi ngày, với thiếu niên
14-18 tuổi là 69 giờ mỗi tuần và không quá 12 giờ mỗi ngày; mỗi ngày
phải có ít nhất là một giờ rưỡi để nghỉ ăn uống; cấm thuê công nhân
dưới 18 tuổi làm đêm. Đạo luật ấy cũng bắt tất cả trẻ em dưới 14 tuổi phải đi
học hai giờ mỗi ngày, chủ xưởng sẽ bị phạt nếu thuê những trẻ chưa có giấy chứng
nhận đi học do giáo viên cấp, và giấy chứng nhận tuổi do bác sĩ cấp. Đổi lại,
chủ xưởng có quyền lấy 1 penny từ lương hàng tuần của trẻ để trả cho giáo
viên. Ngoài ra còn có những thầy thuốc và thanh tra công xưởng, họ có quyền vào
công xưởng bất kì lúc nào, để nghe công nhân tuyên thệ và làm chứng; họ có trách
nhiệm truy tố những chủ xưởng phạm luật trước tòa án hòa giải. Đó là đạo luật mà
bác sĩ Ure đã đả kích không tiếc lời!
Nhờ đạo luật ấy, đặc biệt là việc bổ nhiệm các thanh tra, nên ngày lao
động bình quân chỉ còn 12-13 giờ, và trẻ em đã được thay bằng người lớn trong
phạm vi có thể. Vì thế mà những sự việc kinh sợ nhất đã hầu như hoàn toàn biến
mất, dị tật chỉ còn xảy ra trên những cơ thể hết sức yếu, và những hậu quả của
lao động công xưởng nói chung đã bớt lộ liễu. Dù vậy, trong báo cáo về công
xưởng, vẫn có đủ chứng cớ nói lên rằng: cả trong những công xưởng và ở những
công nhân làm việc 12-13 giờ mỗi ngày, theo qui định trong đạo luật của ngài J.
C. Hobhouse, vẫn luôn xuất hiện những chứng bệnh không nặng lắm: sưng mắt cá;
yếu và đau ở chân, hông và cột sống; giãn tĩnh mạch; lở loét ở chân tay; toàn
thân suy nhược, đặc biệt là vùng bụng; nôn ọe, chán ăn, có khi lại đói cồn cào,
khó tiêu; chứng u uất; các bệnh phổi, do bụi và không khí xấu của công xưởng gây
ra, v.v. và v.v. Về mặt này, nên chú ý đặc biệt tới những báo cáo ở Glasgow và
Manchester. Những bệnh ấy vẫn còn sau khi có đạo luật năm 1833, và đến nay chúng
vẫn tiếp tục phá hoại sức khỏe của giai cấp công nhân. Người ta chỉ quan tâm đến
việc khoác một cái áo văn minh giả nhân giả nghĩa, lên lòng tham lợi nhuận thô
bỉ của giai cấp tư sản; dùng luật pháp để không cho chủ xưởng gây ra những việc
tệ hại quá lộ liễu, giúp họ có thêm lí do để lừa bịp và tự mãn về cái chủ nghĩa
nhân đạo giả dối của họ, thế thôi. Nếu ngày nay lại cử một tiểu ban mới để điều
tra về công xưởng, thì họ sẽ thấy tình hình phần lớn vẫn như xưa. Còn việc phổ
cập giáo dục, mà đạo luật đề ra nhưng không có chuẩn bị trước, thì chưa có tác
dụng, vì chính phủ không đồng thời nghĩ cách xây dựng những trường tốt. Các chủ
xưởng thuê vài công nhân mất năng lực lao động làm giáo viên, trông coi lũ trẻ
hai giờ mỗi ngày, cho rằng thế là đúng theo pháp luật; nhưng bọn trẻ không học
được gì. Ngay cả những báo cáo của các thanh tra công xưởng, dù chỉ hạn chế ở
mức thi hành phận sự, tức là kiểm tra xem chủ xưởng có tuân theo đạo luật về
công xưởng hay không; cũng đưa ra đủ tài liệu để chứng tỏ rằng, những điều tệ
hại nói trên vẫn tiếp tục tồn tại, như một tất yếu. Các thanh tra Horner và
Saunders, trong những báo cáo tháng Mười và tháng Chạp 1843 của họ, nói rằng:
trong các ngành không dùng trẻ em hoặc có thể thay chúng bằng người lớn thất
nghiệp, nhiều chủ xưởng vẫn bắt công nhân làm mỗi ngày 14-16 giờ, và hơn nữa.
Trong số công nhân của các ngành ấy, có rất nhiều người chỉ vừa mới vượt quá tuổi
được pháp luật bảo hộ. Nhiều chủ xưởng khác cố ý phạm luật: họ rút ngắn giờ nghỉ, bắt
trẻ em làm việc quá thời gian pháp luật cho phép, sẵn sàng ra tòa chịu
phạt, vì tiền phạt chẳng đáng là bao so với món lợi mà họ thu được từ việc
phạm luật đó. Nhất là hiện tại, khi đang kinh doanh
rất tốt, thì chủ xưởng càng bị cám dỗ mạnh.
Nhưng việc cổ động cho dự luật mười giờ trong công nhân không dừng lại.
Năm 1839, việc ấy lại trở nên sôi nổi, khi huân tước Ashley thay Sadler đã quá
cố ở Hạ viện, và ở ngoài Nghị viện là Richard Oastler, hai người đều thuộc đảng
Tory. Nhất là Oastler luôn cổ động trong những khu công nhân, đã nổi tiếng từ
khi Sadler còn sống, và được công nhân đặc biệt yêu mến. Họ gọi ông là "ông vua
già tốt bụng" của họ, "ông vua của trẻ em công xưởng"; ở trong tất cả các khu
công xưởng, đứa trẻ nào cũng biết ông, cũng kính trọng ông, và chúng luôn tham
gia đoàn người chào đón ông, mỗi khi ông đến một thành phố. Oastler kiên quyết
phản đối đạo luật mới về người nghèo; do đó, ông bị một người của đảng Whig tên
là Thornhill đưa vào nhà tù nợ, vì ông từng làm quản lí ở trang trại của hắn, và nợ hắn một món tiền.
Người của đảng Whig đã nhiều lần nói là sẽ trả nợ và bảo lãnh cho ông,
chỉ cần ông đừng công kích đạo
luật về người nghèo nữa. Nhưng vô ích! Ông cứ ở tù, và hàng tuần còn phát hành những tờ
"Fleet Papers"18 chống chế độ công
xưởng và đạo luật về người nghèo.
Chính phủ của đảng Tory, lên nắm quyền năm 1841, lại chú ý đến các đạo
luật về công xưởng. Bộ trưởng Nội vụ, Sir James Graham, năm 1843 đã đưa ra một
dự luật giảm ngày lao động của trẻ em xuống 6 giờ rưỡi, và tăng cường phổ cập
giáo dục; điểm chủ yếu của dự luật này là yêu cầu lập những trường học tốt hơn.
Tuy nhiên, dự luật ấy không được thông qua do sự cuồng tín của những người biệt
giáo (những người phản đối giáo hội Anh): dù việc phổ cập giáo dục không bắt con
em những người biệt giáo phải học chương trình giáo dục tôn giáo, nhưng nhà
trường lại chịu sự kiểm soát của giáo hội chính thức, và vì kinh thánh là sách
đọc cho mọi người, nên tôn giáo đã trở thành cơ sở của toàn bộ nền giáo dục; và
những người biệt giáo thấy đó là nguy hiểm cho mình. Bọn chủ xưởng, nói chung là
người của Đảng tự do, đều ủng hộ họ; công nhân thì bất lực vì bị chia rẽ về vấn
đề giáo hội. Phe phản đối dự luật, dù không được ủng hộ ở những thành phố công
xưởng lớn như Salford và Stockport; dù ở những thành phố khác như Manchester, vì
sợ công nhân phản đối, nên họ chỉ công kích vài điểm của dự luật; nhưng họ vẫn
thu được gần hai triệu chữ kí ủng hộ, đủ để ép Graham phải rút lại dự luật.
Năm sau, Graham đã bỏ đi những điều khoản về nhà trường, và
thay cho các ý kiến trước kia, ông chỉ đề nghị giảm thời gian lao động
của trẻ 8-13 tuổi xuống mỗi ngày 6 giờ rưỡi, để cho chúng
hoàn toàn nghỉ cả buổi sáng hoặc buổi chiều; giảm ngày lao động của thiếu niên
13-18 tuổi và toàn bộ nữ công nhân xuống 12 giờ; ngoài ra, ông còn đề nghị áp
dụng một số hạn chế, để chủ xưởng không thể thực hiện những trò lách luật, mà
trước nay thường xảy ra. Ông vừa đưa ra dự thảo ấy, thì việc cổ động cho dự luật
mười giờ lại lên cao hơn bao giờ hết. Oastler, được bạn bè giúp đỡ và công nhân
quyên góp, đã trả hết nợ và được ra tù; ông dốc toàn lực vào phong trào ấy. Số
người ủng hộ dự luật mười giờ ở Hạ viện tăng lên, hàng loạt đơn thỉnh nguyện từ
khắp nơi gửi về, đã đem đến cho dự luật sự ủng hộ mới. Ngày 19 tháng Ba 1844,
với đa số là 179/170 phiếu, huân tước Ashley đã thành công với việc thông qua
một nghị quyết qui định rằng: từ "đêm" trong đạo luật về công xưởng có nghĩa là
"từ sáu giờ chiều tới sáu giờ sáng hôm sau"; vậy, việc cấm làm đêm cũng có nghĩa
là ngày lao động không thể vượt quá mười hai giờ, tính cả giờ nghỉ; và thực tế
chỉ là mười giờ, nếu không tính giờ nghỉ. Nhưng Nội các không đồng ý như vậy.
Sir James Graham liền dọa từ chức khỏi Nội các, và trong lần biểu quyết sau đó
về một điều khoản của dự luật, Hạ viện, với đa số rất nhỏ, đã bác bỏ cả ngày lao
động mười giờ lẫn ngày lao động mười hai giờ! Graham và Peel liền tuyên bố là sẽ
đưa ra một dự luật mới, nếu lại không được thông qua thì hai ông sẽ từ chức. Đó
vốn là bản dự luật mười hai giờ cũ, chỉ sửa đổi hình thức một chút; và chính cái
Hạ viện ấy, hồi tháng Ba đã bác bỏ những điểm chính của dự luật, thì bây giờ,
vào tháng Năm, lại thông qua nó, với nguyên văn không thay đổi tí gì! Lí do là
đa số những người ủng hộ dự luật mười giờ đều thuộc đảng Tory,
họ thà để dự luật
đổ chứ không muốn Nội các đổ. Nhưng vô luận vì cớ gì, việc biểu quyết tiền hậu
bất nhất ấy của Hạ viện đã làm cho nó bị công nhân khinh rẻ hết mức, và chủ
trương cần cải tổ Hạ viện của phái Hiến chương đã được chứng minh rõ rệt. Ba hạ
nghị sĩ, trước kia bỏ phiếu phản đối Nội các, sau đó lại ủng hộ nó, vì thế mà đã
cứu vãn được nó. Trong mọi lần bỏ phiếu, đa số trong phái đối lập đều ủng hộ
Nội các, còn hầu hết những ai thuộc đảng cầm quyền thì lại phản đối Nội
các19*. Vậy là đề nghị trước
kia của Graham về ngày lao động 6 giờ rưỡi cho trẻ em, và 12 giờ cho các loại
công nhân khác, đã có hiệu lực pháp lí; do đó, và do các hạn chế về việc bắt
công nhân làm thêm để bù vào những trường hợp chậm trễ (hỏng máy, hoặc nước đóng
băng, hoặc vì hạn hán mà không có đủ nước), cùng với vài hạn chế nhỏ khác, nên
ngày lao động hầu như không thể dài quá 12 giờ. Tuy nhiên, không nghi ngờ gì
nữa, trong tương lai rất gần, dự luật mười giờ sẽ được thông qua. Đương nhiên là
hầu hết các chủ xưởng phản đối nó, chưa chắc đã tìm nổi mười người ủng hộ trong
số họ; họ dùng mọi thủ đoạn, bất kể chính đáng hay không, để chống lại dự luật
đáng ghét ấy; nhưng điều đó chẳng giúp ích gì cho họ, mà chỉ đào sâu thêm lòng
căm thù của công nhân đối với họ. Dù gì thì dự luật ấy cũng sẽ được thông qua.
Công nhân muốn cái gì thì họ có thể giành được cái ấy, và mùa xuân
năm ngoái, họ đã tỏ rõ là họ muốn có dự luật mười giờ. Các luận cứ kinh tế chính
trị của chủ xưởng là "đạo luật mười giờ sẽ làm tăng chi phí sản xuất, do đó công
nghiệp Anh sẽ không thể cạnh tranh ở thị trường nước ngoài, vì thế tiền lương
nhất định sẽ giảm, v.v."; đương nhiên, các luận cứ ấy
đúng một nửa, nhưng điều đó chỉ chứng minh rằng: sức
mạnh của công nghiệp Anh chỉ được duy trì nhờ việc đối xử dã man với công nhân,
việc hủy hoại sức khỏe của người lao động; và sự suy đồi về các mặt xã hội, thể
chất, tinh thần của cả nhiều thế hệ. Dĩ nhiên, nếu vấn đề không tiến xa hơn dự
luật mười giờ, thì nước Anh có lẽ sẽ lụi tàn; nhưng đạo luật ấy tất yếu sẽ
kéo theo nhiều biện pháp khác, các biện pháp đó nhất định sẽ làm cho nước
Anh đi theo con đường hoàn toàn khác với con đường mà trước nay nó vẫn đi, thế
nên đạo luật ấy là một sự tiến bộ.
Bây giờ hãy chuyển sang một mặt khác của chế độ công xưởng, mà những hậu
quả của nó không dễ khắc phục bằng pháp luật, nếu so với các bệnh tật mà chế độ
ấy gây ra. Ta đã nói khái quát về tính chất của lao động công xưởng, và cũng đã
đủ tỉ mỉ, để từ đó có thể rút ra những kết luận lớn hơn. Trông coi máy, nối sợi
đứt; những việc đó không đòi hỏi trí óc của công nhân, nhưng nó cũng ngăn cản họ
suy nghĩ về những việc khác. Ta còn thấy thứ lao động ấy không cần tới sự gắng
sức của các bắp thịt, và không cho phép hoạt động thể lực tự do. Thế nên đó
không phải là lao động chân chính, mà là thứ công việc đơn điệu nguy hại nhất và
làm cho người ta mệt mỏi nhất. Công nhân công xưởng buộc phải phá hoại toàn bộ
thể lực và trí lực của mình, trong thứ công việc máy móc ấy; sứ mệnh của anh ta
là phải chịu sự buồn chán suốt ngày này qua ngày khác, từ năm lên tám tuổi.
Ngoài ra, anh ta không được lơ đễnh chút nào: máy chạy cả ngày; bánh xe, dây
cua-roa, ống sợi suốt ngày kêu rầm rầm bên tai; chỉ nghỉ một tí là tên đốc công
cầm sổ phạt đã lập tức xuất hiện sau lưng. Cái hình phạt tự chôn sống trong công
xưởng, lúc nào cũng phải theo dõi cái máy làm việc không biết mệt ấy, là sự tra
tấn tàn khốc nhất đối với công nhân. Nó làm cho công nhân suy nhược tột độ, về
thể xác cũng như tinh thần. Quả là khó nghĩ ra được cách nào khác làm cho người
ta ngu muội, hơn là lao động công xưởng; tuy nhiên, công nhân công xưởng không
những vẫn giữ được lí trí của mình, mà còn làm cho nó sắc sảo hơn người khác; đó chỉ là vì
họ đã vùng lên, chống lại vận mệnh của mình, chống lại giai cấp tư sản; đó là
tình cảm và tư tưởng duy nhất mà họ còn giữ được trong tình cảnh lao động
ấy. Nếu sự phẫn nộ đối với giai cấp tư sản còn chưa trở thành tình cảm
mạnh nhất, thì công nhân ắt sẽ uống rượu và làm những việc mà người ta hay gọi là suy đồi.
Theo bác sĩ Hawkins, ủy viên chính thức của tiểu ban,
thì chỉ riêng việc thể lực suy yếu và những bệnh tật do chế độ công xưởng gây ra
đã đủ làm cho công
nhân tất yếu rơi vào cảnh trụy lạc. Hơn thế nữa, cái tất yếu ấy còn tăng thêm,
nhờ sự suy nhược về tinh thần, và tất cả những điều kiện làm cho
từng công nhân bị trụy lạc, mà ta đã nói đến ở trên! Thế nên không
có gì lạ khi ở những thành phố
công xưởng, nạn nghiện rượu và tình dục thái quá đã đạt đến qui mô mà tôi từng mô
tả20*.
Thêm nữa, xiềng xích nô lệ mà giai cấp tư sản dùng để trói buộc giai cấp
vô sản thì không ở đâu rõ rệt bằng chế độ công xưởng. Ở đây, mọi tự do, cả về
pháp luật cũng như thực tế, đều không còn nữa. Công nhân phải đến xưởng từ năm
giờ rưỡi sáng. Chậm vài phút thì bị phạt; chậm mười phút thì không được phép vào
cho đến hết giờ nghỉ ăn sáng, vậy là anh ta mất 1/4 ngày công (mặc dù trong mười
hai giờ, anh ta chỉ không làm việc có hai giờ rưỡi). Việc ăn, uống, ngủ của anh
ta đều phải theo mệnh lệnh. Cả thời gian đi vệ sinh cũng giảm đến mức tối thiểu.
Dù anh ta đi từ nhà đến xưởng mất nửa giờ hay một giờ, chủ xưởng cũng chẳng quan
tâm. Tiếng chuông chuyên chế luôn lôi anh ta khỏi giấc ngủ, bữa sáng, hay bữa
trưa. Khi đã ở trong xưởng thì tình hình thế nào? Ở đây, chủ xưởng là nhà lập
pháp tuyệt đối. Hắn ban hành qui chế công xưởng theo ý muốn, và sửa đổi, bổ sung
tùy thích; dù nó có gồm cả những điều phi lí nhất, thì tòa án vẫn nói với công nhân rằng:
"Các anh làm chủ bản thân mình mà, nếu các anh không thích
thì không ai bắt các anh kí hợp đồng, nhưng bây giờ các anh đã tự nguyện kí hợp
đồng ấy rồi, thì các anh phải thực hiện nó".
Thế là công nhân còn phải chịu sự chế nhạo của tên thẩm phán hòa giải, mà chính
hắn cũng thuộc giai cấp tư sản; và sự chế nhạo của pháp luật, cũng do giai cấp
tư sản đặt ra. Việc kết án như vậy rất thường gặp. Tháng Mười 1844, công nhân
xưởng Kennedy ở Manchester bãi công. Chủ xưởng liền kiện họ, dựa theo một qui
chế đã niêm yết trong xưởng: không cho phép hai công nhân trở lên, trong cùng
một phân xưởng, đồng thời bỏ việc! Tòa án cho là chủ xưởng đúng, lấy câu nói đã
dẫn ở trên để trả lời công nhân (báo "Manchester Guardian", số ra ngày 30 tháng
Mười). Những qui chế của công xưởng thường như thế nào, hãy xem: 1) cổng ra vào
xưởng sẽ đóng sau khi bắt đầu làm việc 10 phút, và không ai được vào nữa, cho
tới trước bữa sáng; ai vắng mặt trong thời gian ấy thì bị phạt 3 penny cho mỗi
máy mà người ấy trông coi; 2) trong thời gian khác, công nhân dệt (dùng máy có
động cơ), nếu vắng mặt khi máy đang chạy thì bị phạt mỗi máy, mỗi giờ 3
penny; trong thời gian làm việc, ai rời phân xưởng mà không
được đốc công cho phép thì bị phạt 3 penny; 3) công nhân dệt không tự mang kéo tới thì bị
phạt mỗi ngày 1 penny; 4) các thứ như con thoi, bàn chải, bình dầu,
bánh xe, kính cửa sổ, v.v. nếu hỏng hoặc vỡ thì công nhân dệt phải đền; 5) công
nhân dệt không được bỏ việc nếu không báo
trước một tuần; chủ xưởng có thể sa thải bất kì công nhân nào, vì làm
việc hoặc cư xử không tốt, mà không cần báo trước;
6) công nhân nào bị bắt quả tang nói chuyện, hát hoặc huýt sáo miệng
thì bị phạt 6 penny; rời khỏi chỗ của mình trong khi làm việc cũng bị phạt 6
penny21*. Tôi có trong tay một
qui chế khác, theo đó thì ai đến chậm ba phút bị trừ 1/4 giờ công, đến chậm hai
mươi phút thì bị trừ 1/4 ngày công; ai vắng mặt trước bữa sáng, vào ngày thứ hai
thì bị phạt 1 shilling, vào những ngày khác thì bị phạt 6 penny, v.v. và v.v. Đó
là qui chế của xưởng Phoenix, phố Jersey, Manchester. Có người nói là những qui
chế như thế là cần thiết, để đảm bảo cho các thao tác khác nhau có thể phối hợp
tốt, trong một công xưởng lớn có thiết bị đầy đủ; rằng ở đây cũng như ở quân
đội, kỉ luật nghiêm ngặt đó là cần thiết. Có thể, nhưng một chế độ xã hội không
tồn tại được, mà không có sự thống trị bạo ngược ô nhục ấy, thì nên gọi là gì?
Hoặc là lấy mục đích để bào chữa cho thủ đoạn, hoặc là lấy sự ti tiện của thủ
đoạn để chứng minh rằng mục đích là ti tiện. Ai đã đi lính, dù trong thời gian
ngắn, đều biết thế nào là sống dưới kỉ luật quân sự. Thế mà những công nhân ấy,
cả tinh thần và thể xác, đã bị buộc phải sống dưới ngọn roi, từ năm lên chín
tuổi đến lúc chết. Họ còn bị nô dịch hơn cả những người da đen ở
Mĩ, vì họ bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Thế mà người ta vẫn đòi họ sống, suy
nghĩ và cảm giác như con người! Đúng, họ chỉ có thể sống như thế, khi họ nghiến
răng căm thù những kẻ áp bức họ, căm thù cái chế độ làm cho họ rơi vào tình
cảnh ấy, và biến họ thành những cái máy! Nhưng còn có việc nhục nhã hơn: theo lời
chứng thực phổ biến của công nhân, có nhiều chủ
xưởng dùng những biện pháp tàn bạo nhẫn tâm nhất, để kiếm thêm tiền phạt từ công
nhân; cướp giật từng xu của những người vô sản xác xơ, để tăng thêm lợi nhuận
của chúng. Leach cũng xác nhận: buổi sáng, khi đến xưởng, công nhân thường thấy
đồng hồ của xưởng nhanh lên mười lăm phút, do đó cổng đã khóa và họ không vào
được; trong khi đó, tên nhân viên văn phòng, tay cầm sổ phạt, đi qua các phân
xưởng và ghi lại một số lớn công nhân vắng mặt. Một lần, chính Leach đã thấy 95
công nhân đứng ngoài xưởng như thế;
đồng hồ của xưởng này thì buổi tối chậm mười lăm phút,
buổi sáng nhanh mười lăm phút so với đồng hồ thành phố. Báo cáo về
công xưởng cũng thuật lại những việc tương tự. Có xưởng, sau khi bắt đầu làm
việc thì quay ngược kim đồng hồ, thế nên thời gian lao động dài hơn so với qui
định, nhưng công nhân thì không được thêm tí tiền công nào. Có xưởng bắt công
nhân làm thêm tới mười lăm phút. Một xưởng khác lại có một đồng hồ thường, và
một đồng hồ máy, đo số vòng quay của trục chính. Khi máy chạy chậm thì người ta
làm việc theo đồng hồ máy, cho đến lúc máy quay đủ số vòng đã định trong mười
hai giờ; nếu máy chạy nhanh và đạt số vòng quay định mức trước thời gian qui
định, thì công nhân vẫn phải làm đủ mười hai giờ. Một nhân chứng nói thêm rằng:
ông ta quen vài cô gái kiếm được đồng lương khá do làm thêm giờ, nhưng họ thà
làm điếm chứ không muốn chịu cái chế độ bạo ngược ấy (Drinkwater, Văn kiện, tr.
80). Trở lại vấn đề tiền phạt, Leach kể: ông nhiều lần thấy các nữ công nhân có
thai gần đẻ, vì ngồi nghỉ một lát trong thời gian làm việc mà bị phạt 6 penny.
Sự phạt tiền do làm không tốt cũng được tùy tiện thi hành: sản phẩm chỉ
được kiểm tra khi đã ở kho, và viên quản lí kiểm tra xong
thì ghi khoản phạt
vào sổ, thậm chí không cần gọi công nhân đến;
mãi đến lúc đốc công trả lương thì công nhân mới biết là mình bị phạt, lúc ấy
thì sản phẩm có lẽ đã được bán đi, hoặc ít nhất cũng đã được cất đi. Leach dẫn
ra một bản ghi phạt tiền dài tới mười foot, tổng tiền phạt là 35 Bảng 17 shilling 10 penny. Ông nói rằng
ở công xưởng có bản ghi phạt ấy, có một viên quản lí vừa mới nhận việc đã
bị sa thải vì biên phạt ít quá, làm cho thu nhập của xưởng mỗi
tuần giảm đi 5 Bảng ("Những sự thực không thể bác bỏ", tr. 13-17). Nhắc lại
một lần nữa: tôi cho Leach là một người hoàn toàn đáng tin và không biết
nói dối.
Về nhiều mặt khác, công nhân cũng là nô lệ của chủ. Nếu lão chủ giàu có
thích vợ hoặc con gái công nhân, thì y chỉ cần ra lệnh hoặc ra hiệu là họ phải
vâng lời. Khi muốn có người kí tên vào đơn thỉnh nguyện để bảo vệ lợi ích của
giai cấp tư sản, thì y chỉ cần chuyển đơn thỉnh nguyện ấy vào công xưởng của
mình. Khi muốn đưa ai đó vào Nghị viện, thì y gọi tất cả các công
nhân có quyền bầu cử đi bỏ phiếu, và họ phải bỏ phiếu cho người tư sản, dù muốn hay không.
Khi muốn giành đa số trong một cuộc hội họp công cộng, thì y cho tan việc sớm nửa
giờ, và cho công nhân ngồi ngay gần diễn đàn, để dễ kiểm soát được họ.
Còn hai biện pháp nữa để đặc biệt tăng cường sự nô dịch
của chủ xưởng đối với công nhân, đó là truck-system và cottage-system.
Công nhân gọi việc trả lương bằng hàng hoá là truck, và cách ấy trước kia
rất thịnh hành ở Anh. "Để tiện lợi cho công nhân, và giúp họ khỏi
bị tiểu thương nâng giá cao", chủ xưởng đã mở một
cửa hàng riêng, bán đủ các thứ. Và để không cho công nhân đến các cửa hàng khác
bán rẻ hơn, vì giá hàng trong tommy-shop22
thường đắt hơn 25-30% so với ở ngoài; thì người ta không trả lương bằng tiền
mặt, mà bằng một cái phiếu mua hàng, chỉ có giá trị ở cửa hàng của công xưởng.
Chế độ tai tiếng ấy đã gây công phẫn rộng khắp, dẫn đến việc công bố Truck Act
năm 1831, theo đạo luật này thì việc trả lương bằng hàng hóa cho đa số công nhân
là vô hiệu lực và phi pháp, ai thực hiện sẽ bị phạt tiền. Nhưng cũng như đa số
các đạo luật ở Anh, nó chỉ có hiệu lực thực tế ở vài địa phương. Tất nhiên, ở
các thành phố thì luật ấy được chấp hành tương đối đầy đủ, nhưng ở nông thôn thì
truck-system vẫn nở rộ, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Ngay cả ở thành phố
như Leicester, chế độ ấy cũng phổ biến. Tôi có hàng chục bản án về việc vi phạm
luật ấy, từ tháng Mười một 1843 đến tháng Sáu 1844; chúng một phần được đăng
trên báo "Manchester Guardian", phần khác được đăng trên báo "Northern Star".
Đương nhiên, chế độ ấy bây giờ không được áp dụng công khai như trước nữa; công
nhân phần lớn được lĩnh tiền mặt, nhưng chủ xưởng vẫn có đủ cách để bắt công
nhân mua hàng ở cửa hàng của xưởng, chứ không ở chỗ khác. Thế nên rất khó tóm
được loại chủ xưởng phạm pháp ấy; chỉ cần trả tiền tận tay cho công nhân, chúng
có thể che giấu tội lỗi của mình, dưới sự bảo vệ của chính pháp luật. Báo
"Northern Star", số ra ngày 27 tháng Tư 1844, đăng bức thư của một công nhân ở Holmfirth,
gần Huddersfield thuộc Yorkshire; nó nói đến một chủ xưởng tên là Bowers:23
"Người ta sẽ kinh ngạc ngay khi thấy cái truck-system
chết tiệt ấy lại có thể tồn tại với qui mô lớn như ở Holmfirth,
mà không ai có đủ can đảm để chấm dứt sự lạm dụng ấy. Rất nhiều thợ
dệt thủ công thật thà đã chịu khổ sở vì nó. Đó là một
trong bao nhiêu ví dụ về hành động của phái mậu dịch tự do24*
đáng kính. Có một chủ xưởng đối xử tàn ác với những thợ
dệt của y; đến nỗi cả khu gần đấy, ai cũng nguyền rủa hắn. Một tấm hàng dệt trị
giá 34-36 shilling, y chỉ trả 20 shilling bằng tiền mặt, còn lại thì trả bằng dạ
hoặc quần áo may sẵn, định giá đắt hơn ở những cửa hàng khác 40-50%,
mà thường là những hàng đã mục. Nhưng báo
"Mercury"25*
của phái mậu dịch tự do nói: 'công nhân không bị bắt phải
nhận hàng hóa, điều đó hoàn toàn tùy ý họ'. Ôi, đúng, nhưng họ không nhận thì
phải chết đói. Nếu muốn lấy trên 20 shilling bằng tiền mặt, thì khi lấy sợi, họ
phải chờ 8-14 ngày; nếu lấy 20 shilling cùng với hàng hóa, thì họ luôn có đủ sợi
cho mình. Tự do buôn bán là thế đấy. Huân tước Brougham nói: 'khi còn trẻ thì ta
phải để dành một chút, để tới lúc già thì khỏi phải đi xin cứu tế'. Chúng tôi có
thể để dành những thứ hàng mục nát ấy ư? Nếu lời ấy không phải là của một huân
tước, thì phải nghĩ là đầu óc con người ấy cũng mục nát, như những hàng hóa mà
người ta trả cho lao động của chúng tôi. Hồi các báo còn xuất bản phi pháp,
không nộp tiền đăng kí; thì còn nhiều người tố cáo việc ấy với cảnh sát ở
Holmfirth, có những người như Blyth, Eastwood, v.v.; nhưng bây giờ họ đi đâu mất
cả? Nhưng bây giờ tình hình đã khác: chủ xưởng của chúng tôi đã thành người
thuộc phái mậu dịch tự do ngoan đạo rồi, mỗi chủ nhật y đến nhà thờ hai lần, và
rất thành tâm đọc theo linh mục: 'Chúng con đã không làm những việc lẽ ra nên
làm, và đã làm những việc lẽ ra không nên làm; chúng con không
đáng được cứu vớt; nhưng hỡi đức Chúa từ bi, xin Người tha thứ cho chúng con'
(lời cầu nguyện ở nhà thờ Anh). Vâng, tha thứ cho chúng
con, để đến ngày mai, chúng con lại trả lương cho thợ dệt của chúng con
bằng hàng hóa mục nát".
Cottage-system thoạt nhìn thì ít có hại hơn nhiều, và diễn ra dưới hình thức ít
khó chịu hơn nhiều, dù tác dụng nô dịch công nhân của nó không kém gì
truck-system. Ở nông thôn, gần công xưởng, thường thiếu nhà ở cho công nhân. Thế
nên chủ xưởng thường phải xây nhà, và y rất vui lòng làm vậy, vì vốn đầu tư cho
việc đó sẽ đem lại lợi nhuận rất lớn. Nếu những người cho công nhân thuê nhà
hàng năm thu lãi bình quân bằng 6% tiền vốn, thì có thể tính là nhà đó sẽ đem
lại cho chủ xưởng món lợi gấp đôi; vì chỉ cần công xưởng không đóng cửa là y vẫn
có người thuê nhà, mà những người thuê nhà ấy luôn trả tiền đúng hạn. Vậy, y
không phải chịu hai loại thiệt hại chủ yếu mà các chủ nhà khác có thể phải chịu:
đó là việc những cottage trống không, và việc không thu được tiền. Mà tiền thuê
nhà thì đã bao gồm cả những thiệt hại có thể xảy ra ấy, thế nên nếu chủ xưởng
lấy tiền thuê bằng các chủ nhà khác, thì nó có thể lấy từ công nhân một món lợi
bằng 12-14% tiền vốn. Chủ xưởng cho công nhân thuê nhà đã kiếm lợi hơn, thậm chí
gấp đôi, so với những người cạnh tranh, đồng thời khiến những người ấy không thể
cạnh tranh với y; đương nhiên, thế đã là bất công rồi. Lấy món lợi ấy từ
túi tiền của giai cấp không có tí gì, phải quí từng xu, thì là bất công
gấp đôi; nhưng với chủ xưởng, việc
ấy đã thành thói quen: toàn bộ tài sản của y là bòn rút từ công nhân. Nhưng sự
bất công ấy trở thành đê tiện, khi chủ xưởng lấy
việc dọa sa thải để bắt
công nhân phải thuê nhà của y, phải trả tiền thuê cao hơn bình thường,
thậm chí phải trả tiền cho những căn nhà mà họ không ở; những việc đó rất thường xảy ra! Báo
"Sun"26* của Đảng tự
do đã trích dẫn báo "Halifax Guardian", và xác nhận: ở Ashton-under-Lyne,
Oldham, Rochdale, v.v., nhiều chủ xưởng bắt hàng trăm công nhân trả tiền thuê
nhà, dù họ có ở hay không. Cottage-system rất phổ biến ở nông thôn, nó đã tạo ra
các xóm thợ hoàn chỉnh; và vì thường có rất ít hoặc không có cạnh tranh, nên chủ
xưởng có thể không tính tiền thuê theo thị trường, mà là theo ý thích. Khi có
xung đột với công nhân, thì cái cottage-system ấy đem lại cho chủ xưởng quyền lực to lớn đến thế nào! Nếu
công nhân bãi công thì y chỉ cần đuổi họ ra khỏi
nhà, và thời hạn dời đi chỉ có một tuần. Quá kì hạn ấy, công
nhân không chỉ không có cái ăn, mà còn không có nhà ở; họ
biến thành những người lang thang, và theo sự khoan hồng của pháp luật, thì họ sẽ bị tống giam một tháng.
Đó là chế độ công xưởng qua mô tả của tôi, với mức độ chi tiết mà khuôn
khổ cuốn sách cho phép, và với sự khách quan cao nhất có thể, khi mô tả những sự
tích anh hùng của giai cấp tư sản, trong cuộc đấu tranh của nó, chống lại công
nhân tay không tấc sắt; những việc mà khi nói tới nó, không ai có thể dửng dưng,
vì dửng dưng là tội ác. Hãy so sánh tình cảnh của người Anh tự do năm
1845, với các nông nô Sachsen năm 1145, chịu sự áp bức của bọn quí tộc
Normans. Nông nô là glebae adscriptus ("bị trói buộc vào ruộng đất"); công nhân
tự do cũng bị trói buộc như vậy vào cottage-system. Nông nô phải hiến cho chủ cái jus primae noctis
("quyền hưởng đêm đầu tiên"); công nhân tự do phải hiến cho chủ, không chỉ cái quyền ấy, mà
còn cả cái quyền hưởng mọi đêm nữa. Nông nô
không có quyền sở hữu tài sản, mọi cái họ kiếm được có thể bị chủ lấy đi; công
nhân tự do cũng không có tài sản, anh ta không có được nó là vì cạnh tranh. Chủ
xưởng đã làm những việc mà chính người Normans cũng không làm; hàng ngày, thông
qua truck-system, y giành quyền quản lí cả những thứ mà công nhân cần nhất cho
đời sống. Quan hệ giữa nông nô và lãnh chúa được qui định bằng pháp luật và
phong tục, chúng được người ta tuân thủ, vì phù hợp với tập quán; quan hệ giữa
công nhân tự do và chủ cũng được pháp luật qui
định, nhưng chúng không được tuân thủ, vì
không phù hợp với tập tục, cũng như với lợi ích của chủ. Lãnh chúa không thể bắt
nông nô tách rời ruộng đất, không thể bán nông nô mà không bán ruộng đất, vì hầu
hết ruộng đất đều là thái ấp, không thể mua bán, mà lúc đó cũng chưa có tư bản,
vậy là nông nô hầu như không thể bị bán; giai cấp tư sản hiện đại thì bắt công nhân phải tự bán mình. Nông nô
là nô lệ của mảnh đất mà họ chôn rau cắt rốn; công nhân là nô lệ của
những tư liệu sinh hoạt cần thiết nhất, và của đồng tiền mà họ dùng để mua nó;
cả hai đều là nô lệ của sự vật.
Sự tồn tại của nông nô được trật tự xã hội phong kiến đảm bảo, vì ở đó, mỗi
người đều có vị trí nhất định; sự tồn tại của công nhân tự do thì không được đảm
bảo, vì họ chỉ có vị trí nhất định trong xã hội khi mà giai cấp tư sản cần họ,
không thì họ bị bỏ mặc, như là không tồn tại trên đời. Nông nô hi sinh vì chủ
trong thời chiến; công nhân công xưởng hi sinh vì chủ trong thời bình. Chủ của
nông nô là một kẻ dã man, hắn coi nông nô như súc vật; chủ của công nhân là một
kẻ văn minh, hắn coi công nhân như cái máy. Tóm lại thì tình cảnh của hai loại
người ấy giống nhau về cơ bản; nếu có bên nào tệ hơn một chút, thì đó là công
nhân tự do. Họ đều là nô lệ, chỉ khác là: sự nô dịch đối với loại thứ nhất là rõ
ràng, công khai, không che đậy; còn sự nô dịch đối với loại thứ hai thì được che đậy
một cách xảo quyệt, với chính họ và những
người khác; đó là chế độ nô lệ có tính đạo đức giả, nó tồi hơn chế độ nô lệ cũ. Những
nhà từ thiện thuộc đảng Tory đã đúng khi gọi những công nhân công xưởng là white slaves, "các nô lệ da trắng".
Nhưng chế độ nô lệ đạo đức giả và được che đậy ấy đã thừa nhận quyền tự do,
ít ra là ở cửa miệng; nó phải cúi đầu trước dư luận yêu chuộng tự do, và do đó, so với
chế độ nô lệ cũ, nó là một sự tiến bộ lịch sử; ít ra thì
nguyên tắc tự do đã được thừa nhận, và những người bị áp
bức đã quan tâm đến việc: làm thế nào để nguyên tắc ấy được thực hiện.
Sau cùng, để kết luận, là vài đoạn trong một bài thơ, nói lên cách nhìn
của bản thân công nhân về
chế độ công xưởng. Bài thơ do Edward P. Mead ở Birmingham viết, và đã diễn
đạt được một cách đúng đắn tâm trạng phổ biến trong công nhân27.
Trên đời này có một tên vua dữ.
Không hiền lành như truyền thuyết nói đâu
Hắn làm bao nô lệ da trắng rơi đầu.
Tên vua ấy chính là Hơi nước.
Nó có một tay, tay bằng sắt,
Dù chỉ có một cánh tay thôi.
Nhưng sức mạnh không ai địch nổi
Có thể gieo tai hoạ cho triệu người.
Như tổ phụ hắn là Moloch,
Gieo đau thương và tàn khốc nơi nơi.
Ghê gớm thực! Ruột gan đầy lửa bốc
Khát máu trẻ con, ăn cả thịt người.
Lũ mục sư của hắn hung tàn,
Khát máu người và rất đỗi tham lam,
Chuyên thống trị bằng bàn tay sắt,
Hút máu tươi đem đúc lấy tiền vàng.
Bọn quỷ sứ đạp nhân quyền nhân loại,
Để thờ thần ác quái là vàng,
Khổ nhục của đàn bà khiến chúng hân hoan,
Và nước mắt đàn ông làm chúng sướng.
Tiếng rên xiết của kẻ nghèo giãy chết,
Chúng cho là âm nhạc nghe sướng tai;
Xương trắng cụ già, con trẻ, gái, trai,
Địa ngục của vua Hơi đầy rẫy.
Địa ngục chính ở thế gian này,
Hơi nước khắp nơi gieo chết chóc
Làm linh hồn lẫn thể xác người ta
Bị hủy hoại tiêu ma một lúc.
Đả đảo vua Hơi, tên vua hung ác!
Muôn triệu người lao động đứng lên!
Hãy trói chặt bàn tay nó lại
Cứu nhân dân khỏi hoạ diệt vong!
Dân chúng ta đùng đùng phẫn nộ,
Vứt xuống vực sâu lũ kí sinh đê tiện
Bụng nứt vàng, tay bê bết máu tươi,
Cùng với hung thần của chúng đi thôi28*
Chú thích
1* "The Cotton
Manufacture of Great Britain". By Dr. A. Ure. 1836 [Bác sĩ A. Ure, "Công
nghiệp bông sợi của Đại Britain", 1836].
2* "History of
the Cotton Manufacture of Great Britain". By E. Baines, Esq. [E. Baines.
"Lịch sử công nghiệp bông sợi của Đại Britain"].
3* "Stubborn Facts from the Factories",
By a Manchester
Operative. Published and dedicated to the Working Classes by Wm. Rashleigh. M.
P. London, Ollivier, 1844, p. 28 ff. ["Những sự thực không thể bác bỏ về
các công xưởng, do một công nhân ở Manchester vạch ra". Do nghị sĩ W. Rashleigh
xuất bản và tặng giai cấp công nhân, London, Ollivier, 1844, tr. 28 và các
tr. sau].
4* Hãy xem mấy chỗ trong "Báo cáo
của tiểu ban điều tra về lao động công
xưởng" (Chú thích của Engels trong bản in ở Mĩ năm 1887).
5* Chẳng
hạn ông Symons đã đặt câu hỏi như thế trong cuốn sách "Nghề thủ công
và thợ thủ công".
6* Hãy xem, chẳng hạn, bác sĩ
Ure, với tác phẩm "Triết học
về công xưởng" của ông ta.
7* "Tình hình tiền lương ở một số ngành
của công nghiệp dệt bông ở Lancashire rất rắc rối: mấy trăm nam thanh niên 20-30
tuổi, làm thợ phụ nối sợi đứt, hoặc các việc khác, nhiều nhất chỉ được 8-9
shilling một tuần; thế mà một đứa trẻ 13 tuổi trong cùng xưởng ấy lại được 5
shilling, và các thiếu nữ 16-20 tuổi thì được 10-12 shilling một tuần".
Báo cáo của viên thanh tra công xưởng L. Horner, tháng Mười 1844.
8 Giữa các bản tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Đức có khác biệt nhỏ
về con số ở câu này và câu trước.
Ở đây người dịch lấy số liệu của bản tiếng Anh, vì cho rằng nó chính xác nhất
(Chú thích của người dịch).
9* Theo tài liệu của tiểu ban điều tra về lao động công xưởng, báo cáo
của bác sĩ Hawkins, tr. 3 (Chú thích của Engels trong bản in ở Mĩ năm 1887).
10* Năm 1843, trong những tai nạn mà bệnh viện
Manchester ghi được, có 189 - một trăm tám mươi chín! - vụ bỏng. Có bao
nhiêu người chết thì không nói rõ.
11* Về số phụ nữ đã kết hôn làm việc
trong công xưởng, thì qua tài liệu của chính các chủ xưởng, ta có thể thấy: trong 412
công xưởng ở Lancashire, có 10.721 phụ nữ đã kết hôn làm việc; trong số
chồng họ, chỉ có 5314 người cũng làm việc trong công xưởng; 3927 người làm
công việc khác, 821 người không có việc làm, còn 659 người thì không rõ. Như
vậy có thể thấy rằng mỗi công xưởng đều có hai hoặc ba ông chồng phải sống
nhờ vào lao động của vợ.
12 "quyền hưởng đêm đầu tiên" (Chú thích của người dịch).
13* Trong
phân xưởng kéo sợi của một công xưởng ở Leeds, người ta đã đặt ghế
ngồi (Drinkwater, Văn kiện, tr. 80).
14* Những nhà phẫu thuật (surgeons)
cũng có kiến thức y học không kém những thầy thuốc nội khoa (physicians), thế
nên họ không chỉ chuyên về nghiệp vụ phẫu thuật, mà còn làm công
việc chữa bệnh nói chung. Do nhiều nguyên nhân,
người ta còn thích tìm đến họ, hơn là đến các bác sĩ nội khoa.
15* Câu này không phải trích trong báo cáo về công xưởng.
16* Những sự thực đó đều được trích
dẫn trong bài diễn văn của huân tước Ashley (đọc tại phiên họp của Hạ viện ngày 15 tháng Ba 1844).
17 "với bất kì giá nào"
(Chú thích của người dịch).
18 ("Bút kí Fleet") Đây là tuần báo được viết
dưới dạng một tập thư tín, do Oastler xuất bản trong nhà giam những người mắc
nợ ở Fleet, từ 1841 đến 1844 (Chú thích của người dịch).
19* Người ta biết rằng trong cùng kì
họp ấy, khi thảo luận vấn đề đường, Hạ viện lại
làm một việc khó coi: đầu tiên nó phản đối Nội các, sau đó, do việc dùng
"cái roi chính phủ", nó lại ủng hộ Nội các.
20* Hãy nghe lời của một quan tòa có thẩm quyền:
"Nếu kết hợp ảnh hưởng xấu của người Ireland với lao động
không ngừng của toàn thể công nhân công nghiệp bông sợi, thì ta sẽ ít lấy làm lạ
về sự trụy lạc đáng sợ của họ. Lao động kiệt sức kéo dài, ngày này qua ngày
khác, năm này qua năm khác, nhất định không làm cho người ta phát triển được về
trí lực và đạo đức. Vòng quay đơn điệu của cái khổ dịch
(drudgery) vô tận, ở đó, một vài động tác máy móc
được lặp đi lặp lại không ngừng; nó thực giống như cực hình của Sisyphus: sự
nặng nề của lao động, hệt như các tảng đá lớn, liên tục rơi vào các công nhân đã
mệt lử. Trong điều kiện hoạt động liên tục của một vài bắp thịt, thì đầu óc
không thể thu nhận tri thức, cũng không thể suy nghĩ; trí tuệ thì kém đi, nhưng
mặt thô lỗ trong tính người lại phát triển mạnh. Trói buộc người ta vào thứ lao
dịch như thế cũng có nghĩa là bồi dưỡng thú tính cho họ. Họ dần trở nên thờ ơ
với mọi thứ, họ vứt bỏ hết những khát vọng và thói quen của con người. Họ coi
nhẹ những tiện nghi và niềm vui cao thượng của
cuộc sống; họ sống trong tình cảnh nghèo khổ bẩn thỉu, thiếu ăn, và
đem chút tiền lương cuối cùng của họ ra tiêu xài phung phí" (Bác sĩ James
Ph. Kay, "Tình cảnh tinh thần và vật chất của giai cấp công nhân công nghiệp bông sợi ở
Manchester", xuất bản lần thứ hai, 1832).
21* "Những sự thực không thể bác bỏ", tr. 9 và các trang sau.
22 "cửa hàng của công xưởng" (Chú thích của người dịch).
23 Trong nguyên bản, bức thư dưới đây được Engels trích nguyên văn,
kể cả các lỗi chính tả (Chú thích của người dịch).
24* Đây là những người ủng hộ
Đồng minh chống đạo luật ngũ cốc.
25* Đây là nói tới tờ báo "Leeds
Mercury" của phái tư sản cấp tiến.
26* Tờ "Sun" (nhật báo xuất bản ở London), số ra cuối tháng Mười một 1844.
27 Nguyên văn bài thơ được đăng trên tờ "The Northern
Star", số 274, ngày 11 tháng Hai 1843, còn có thêm hai khổ thơ nữa (Chú thích của người dịch).
28* Tôi không có đủ thì giờ và giấy
mực, để nói tỉ mỉ về những phản hồi của các chủ xưởng trước những lời kết tội
họ, trong mười hai năm qua. Không gì dạy
bảo được loại người ấy, vì lợi ích riêng đã làm lóa mắt họ. Một số ý kiến
của họ, tôi đã bác bỏ ở phần trên, thế nên ở đây, tôi chỉ nói thêm chút ít:
Bạn tới Manchester và muốn nghiên cứu tình hình sinh hoạt ở Anh. Hẳn là
bạn sẽ được làm quen với một số nhân vật "đáng kính". Bạn đề ra vài ý kiến về
tình cảnh của công nhân. Bạn sẽ được gặp các chủ xưởng lớn nhất thuộc Đảng tự
do: Robert Hyde Greg, Edmund Ashworth, Thomas Ashton, v.v. Bạn nói ý muốn của
mình với họ. Chủ xưởng hiểu ý bạn, họ biết nên làm gì. Họ đưa bạn đến công xưởng
của họ ở nông thôn: với ông Greg thì là Quarry Bank ở Cheshire; với ông Ashworth
sẽ là Turton, gần Bolton; ông Ashton lại đưa bạn đến Hyde. Họ dẫn bạn vào những
tòa nhà được trang bị rất tốt, có thể có cả thiết bị thông gió nữa. Họ nhắc bạn
lưu ý tới các phân xưởng cao rộng, thoáng khí, các máy móc đẹp, và công nhân
trông rất khỏe mạnh. Họ mời bạn một bữa sáng thịnh soạn, rồi mời bạn đi xem chỗ
ở của công nhân. Họ đưa bạn đến những cottage trông còn mới, sạch sẽ, dễ coi; họ
cũng đi cùng bạn vào nhà này, nhà nọ. Tất nhiên, họ chỉ đưa bạn đến nhà của các
đốc công, thợ cơ khí, v.v., để bạn xem "những gia đình
chỉ sống dựa vào công xưởng". Trong những cottage khác, bạn có thể
thấy là chỉ có vợ và con đi làm ở xưởng, còn chồng thì ngồi vá tất. Vì chủ xưởng
ở ngay đó, nên bạn không tiện hỏi những câu quá thiếu tế nhị; hình như công nhân
có lương khá, sinh hoạt dễ chịu, tương đối khỏe mạnh nhờ không khí ở nông thôn.
Bạn bắt đầu từ bỏ các ý niệm của mình về sự nghèo khổ và đói khát, coi đó chỉ là
cường điệu. Nhưng còn việc cottage-system biến công nhân thành nô lệ ra sao, và
gần đó còn có một tommy-shop, thì bạn không hề biết; công nhân không thể cho bạn
thấy là họ căm ghét chủ xưởng như thế nào, vì chủ xưởng ở ngay cạnh bạn; chủ
xưởng còn xây cả trường học, nhà thờ, phòng đọc sách, v.v. Nhưng họ dùng nhà trường
để dạy cho trẻ em phục tùng kỉ luật, phòng đọc sách chỉ có những
sách báo bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản, họ sa thải những công nhân nào đọc
sách báo của phái Hiến chương và phái xã hội chủ nghĩa; tất cả những cái ấy họ
đều giấu bạn. Bạn thấy các quan hệ gia trưởng dễ chịu; thấy đời sống của các đốc công;
thấy giai cấp tư sản hứa hẹn với công
nhân những gì, nếu về mặt tinh thần, công nhân cũng chịu trở thành nô lệ của
chúng. Chủ xưởng từ lâu đã coi "công xưởng nông thôn" là tôn chỉ hoạt động; vì ở
nông thôn, những tai hại của chế độ công xưởng, nhất là về
sức khỏe, đã được giảm đi, nhờ không khí trong lành và môi trường xung
quanh; và vì ở nông thôn, sự nô dịch của
chế độ gia trưởng đối với công nhân được duy
trì lâu nhất. Bác sĩ Ure đã hết lời ca tụng việc ấy. Nhưng khốn khổ cho
công nhân, nếu họ lại muốn suy nghĩ độc lập, và trở thành những người theo phái
Hiến chương; sự yêu mến và săn sóc như cha mẹ, mà chủ xưởng dành cho họ, sẽ tiêu
tan trong chốc lát. Nếu muốn tới các khu công nhân ở Manchester, để xem những ảnh
hưởng của chế độ công xưởng ở một thành phố
công xưởng; thì bạn phải đợi lâu mới được các nhà tư sản giàu có giúp đỡ! Các ngài ấy
không biết tình cảnh và mong muốn của công nhân là gì. Họ không muốn biết những
điều đó, vì họ sợ phải thấy những việc làm cho họ không yên lòng,
thậm chí còn bắt họ phải hành động trái với lợi
ích của mình. Nhưng việc đó không quan trọng: công nhân muốn gì thì
họ sẽ có được cái ấy, bằng sức mạnh của chính họ.
[Chương trước]
[Mục lục]
[Chương sau]