Rosa Luxemburg

Trong cơn bão 


Đăng trên tờ Le Socialiste, ngày 1-8 tháng Năm 1904.

Bản dịch tiếng Anh: Mitch Abidor, marxists.org

Dịch sang tiếng Việt: Lý Hoàng Minh Uyên


 

Ngày 1 tháng Năm năm nay đặc biệt nổi bật, bởi vì nó được tổ chức vào giữa hồi gây cấn của chiến tranh. Vì vậy mà vai trò ủng hộ hòa bình thế giới của ngày này năm nay lại quan trọng hơn. Nhưng hơn bao giờ hết, khi có chiến tranh thì các cuộc biểu tình đặc thù của giai cấp vô sản cũng phải thể hiện tư tưởng này: việc hiện thực hóa hòa bình thế giới sẽ là không thể, trừ khi nó gắn với việc hiện thực hóa mục đích cuối cùng của chủ nghĩa xã hội chúng ta.

Nếu chiến tranh Nga - Nhật có chứng minh được điều gì, thì đó là sự vô nghĩa trong những đồn đoán của các nhà xã hội chủ nghĩa ‘nhân đạo’, khi họ tuyên bố đã tìm thấy hòa bình thế giới trong hệ cân bằng của các Liên minh Đôi bên và Ba bên. Những kẻ ca tụng các liên minh quân sự này không thể dùng lời để diễn tả hết sự say mê của họ với thời kỳ ba mươi năm hòa bình ở Trung Âu, và dựa vào đó, với tất cả lẽ tự nhiên có thể, họ tuyên bố rằng ‘hòa bình nở rộ’ và ‘hòa bình cho nhân loại’. Đòn sét đánh của các khẩu pháo ở cảng Arthur - giáng cho thị trường chứng khoán Châu Âu một đòn chấn động mạnh - đã nhắc nhở dàn đồng thanh của các nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong xã hội tư sản rằng, trong cơn ảo tưởng của mình về nền hòa bình châu Âu, họ chỉ quên mất một việc: nền chính trị thực dân hiện đại giờ đã vượt ra khỏi các xung đột cục bộ của châu Âu, và mang chúng tới bờ Đại dương Lớn. Cuộc chiến tranh Nga - Nhật giờ đây khiến tất cả hiểu rằng: ngay cả chiến tranh và hòa bình ở châu Âu - định mệnh của nó - cũng không được quyết định bên trong 4 bức tường của sự hòa hợp tại châu lục này, mà là ở bên ngoài, trong vòng xoáy khổng lồ của thế giới và nền chính trị thực dân.

Chính trong đó, ý nghĩa thực sự của cuộc chiến hiện tại nằm ở nền dân chủ xã hội; ngay cả khi chúng ta bỏ qua hậu quả tức thời của nó: sự sụp đổ của nền chuyên chế Nga. Cuộc chiến tranh này mang lại cho giai cấp vô sản quốc tế một cái nhìn chăm chú, vào các liên kết to lớn về chính trị và kinh tế của thế giới; và bằng một cách dữ dội, nó làm tan biến chủ nghĩa cá nhân trong hàng ngũ của chúng ta, các tư tưởng nhỏ mọn ấy luôn hình thành mỗi khi có một thời kì bình ổn chính trị.

Cuộc chiến tranh đó hoàn toàn vén lên những tấm màn mà thế giới tư sản - thế giới của chủ nghĩa bái vật trong kinh tế, chính trị và xã hội - vẫn luôn dùng để che mắt chúng ta.

Chiến tranh cũng phá bỏ cái vẻ ngoài đã khiến ta tin vào tiến trình hòa bình của xã hội, vào sự toàn năng và thiêng liêng của pháp lí tư sản; hoặc chủ nghĩa độc quyền quốc gia, hay sự bình ổn của các điều kiện chính trị; cũng như định hướng chính trị đúng đắn của những ‘chính khách’ hoặc chính đảng, rồi tầm quan trọng làm khuynh đảo thế giới của các cuộc tranh cãi ở nghị viện tư sản; và cả chế độ nghị viện - cái được gọi là trung tâm của sự tồn tại xã hội.

Cùng lúc với các lực lượng phản động của thế giới tư bản, chiến tranh cũng làm bùng phát những lực lượng giải phóng của cách mạng xã hội, vốn đang âm ỉ ở sâu trong lòng thế giới đó.

Đúng, lần này chúng ta kỷ niệm ngày 1 tháng Năm dưới một cơn bão lớn, tốc độ các sự kiện trên thế giới đã tăng lên nhanh chóng.