Nguồn gốc của ngày Một tháng Năm 

Rosa Luxemburg.


Viết năm: 1894. Xuất bản lần đầu bằng tiếng Ba Lan trên tờ Sprawa Robotnicza.

Nguồn: Selected Political Writings of Rosa Luxemburg, tr. Dick Howard, Monthly Review Press, 1971, pp. 315-16.

Bản điện tử: marxists.org tháng 4/2002

Dịch sang Tiếng Việt: Lý Hoàng Minh Uyên

 


Tư tưởng hợp lý về việc dùng một ngày lễ kỉ niệm cho giai cấp vô sản để đòi quyền lao động 8 giờ/ngày được bắt nguồn ở nước Úc. Năm 1856, những công nhân nơi đây vào năm 1856 đã quyết định cùng nhau tổ chức đình công tập thể cả một ngày, cùng với mít-tinh và hoạt động giải trí, nhằm biểu tình ủng hộ làm việc 8 tiếng. Lễ kỉ niệm được tổ chức vào ngày 21 tháng Tư. Lúc đầu, công nhân Úc chỉ dự định tổ chức một lần duy nhất vào năm 1856. Nhưng ngày lễ kỷ niệm đầu tiên đó đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến quần chúng vô sản Úc, khích lệ họ và dẫn tới các hành động phản kháng khác, nên họ quyết định lặp lại ngày lễ này mỗi năm.

Quả thực, có điều gì khiến các công nhân trở nên dũng cảm và tin vào sức mạnh của chính mình hơn, ngoài việc thực hiện cuộc đình công tập thể do chính họ tự quyết? Còn điều gì tiếp thêm dũng khí hơn cho các nô lệ suốt đời của công xưởng và nhà máy ấy, ngoài việc tập trung thành đội quân của chính mình? Vì vậy, ý kiến về buổi lễ dành cho người vô sản đã nhanh chóng được thông qua, và từ Úc, nó bắt đầu lan ra khắp các quốc gia, cho đến khi chinh phục giai cấp vô sản trên toàn thế giới.

Các công nhân Mĩ là những người tiên phong làm theo nước Úc. Năm 1886, họ quyết định rằng 1 tháng Năm sẽ là ngày tổng bãi công. Chính ngày đó 200.000 người trong số họ đã ngừng việc và yêu cầu ngày làm 8 tiếng. Trong các năm sau này, cảnh sát và luật pháp đã gây khó dễ, để ngăn cản công nhân lặp lại một cuộc biểu tình [ở qui mô đó]. Tuy nhiên, năm 1888, công nhân lại quyết định tổ chức ngày lễ vào 1 tháng Năm 1890.

Trong lúc đó phong trào công nhân ở châu Âu đã phát triển mạnh mẽ và sôi nổi. Biểu hiện lớn nhất của nó là ở Đại hội Công nhân Quốc tế năm 1889. Với 400 đại biểu tham dự, Đại hội đã quyết định rằng ngày làm việc 8 tiếng phải là yêu cầu được ưu tiên nhất. Ngay lúc đó đại biểu của công đoàn Pháp, một công nhân tên Lavigne từ Bordeaux, đã đề nghị thể hiện yêu sách ấy ở khắp các nước, thông qua việc tổng bãi công. Đại biểu công nhân Mĩ đã khiến tất cả chú ý tới quyết định đình công vào 1 tháng Năm 1890, và Đại hội đã lấy ngày này thành ngày lễ vô sản toàn thế giới.

Ở đây ta thấy, 30 năm trước đó tại Úc, công nhân chỉ nghĩ sẽ thực hiện cuộc biểu tình này một lần duy nhất. Đại hội đã quyết định công nhân khắp mọi nơi sẽ biểu tình cùng nhau, để đòi ngày làm việc 8 tiếng, vào 1 tháng Năm 1890. Không ai nói về việc lặp lại ngày này vào những năm tiếp theo. Rõ ràng không ai dự đoán được rằng ý tưởng này sẽ thành công mau lẹ như một tia chớp, và sẽ được giai cấp công nhân hưởng ứng nhanh như thế nào. Thế nhưng, chỉ cần một lần tổ chức là đủ để mọi người đều hiểu và cảm thấy rằng: ngày 1 tháng Năm phải được tiếp tục tổ chức hằng năm.

Ngày 1 tháng Năm vốn là để đòi ngày làm việc 8 tiếng. Nhưng ngay cả sau khi đạt được mục tiêu này, nó vẫn không dừng lại. Chừng nào công nhân còn đấu tranh chống lại tư sản và giai cấp thống trị, chừng nào mọi yêu sách còn chưa được đáp ứng, thì ngày 1 tháng Năm vẫn diễn ra hằng năm để thể hiện các yêu cầu ấy. Và khi những ngày tươi sáng hơn xuất hiện, khi giai cấp công nhân toàn thế giới đã giải phóng được mình, thì cả nhân loại sẽ ăn mừng ngày 1 tháng Năm, để vinh danh những cuộc đấu tranh gian khổ và nhiều đau thương trong quá khứ.